"Mỹ sẽ cung cấp nửa tỷ liều (vaccine) mà không đi kèm bất kỳ ràng buộc nào", ông Biden nói. "Không có áp lực ủng hộ hay sự nhượng bộ đi kèm, chúng tôi làm điều này để hỗ trợ nhân loại", Tổng thống Biden nói, theo Reuters.
"Mỹ sẽ là 'kho vaccine' trong cuộc chiến chống lại Covid-19, tương tự như Mỹ là kho vũ khí của các nền dân chủ trong Thế chiến 2", ông Biden nói.
Trước đó, Nhà Trắng thông báo sẽ cung cấp 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech cho các quốc gia đang phát triển.
Đây là khoản tài trợ vaccine lớn nhất từ trước đến nay của một quốc gia, tiêu tốn của Mỹ hơn 3,5 tỷ USD.
Ngoài Mỹ, các nước còn lại trong G7 cũng sẽ tham gia tài trợ.
Tổng thống Mỹ cam kết cung cấp 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech cho các quốc gia nghèo nhất. Ảnh: AP. |
Nhà sản xuất dược phẩm Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech của Đức đã đồng ý cung cấp vaccine để Mỹ phân phối cho 100 quốc gia, với số lượng 200 triệu liều vào năm 2021 và 300 triệu liều vào nửa đầu năm 2022.
Các lãnh đạo G7 muốn thúc đẩy nỗ lực tiêm chủng cho thế giới vào cuối năm 2022, để cố gắng ngăn chặn Covid-19. Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 3,9 triệu người, ảnh hưởng cuộc sống của hàng tỷ người và tàn phá nền kinh tế.
Cho đến nay, các nỗ lực tiêm chủng đang vượt trội ở các nước giàu, bao gồm Mỹ, Israel và Bahrain và một số nước châu Âu. Khoảng 2,2 tỷ người đã được tiêm chủng trong tổng số gần 8 tỷ người trên thế giới, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.
Trong khi đó, nhóm chiến dịch chống đói nghèo Oxfam kêu gọi cần hành động nhiều hơn để tăng cường sản xuất vaccine trên toàn cầu.
Vấn đề đặt ra với chiến dịch tiêm chủng lúc này là quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và cơ sở hạ tầng bảo quản.