"Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Việt Nam mong muốn các quốc gia và tổ chức quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết trách nhiệm để cùng nhau đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết khi được Zing yêu cầu bình luận về việc Mỹ sẽ đóng góp 500 triệu liều vaccine Pfizer cho thế giới.
Trước đó, Washington Post cho biết Mỹ sẽ mua 500 triệu liều vaccine Covid-19 của Pfizer để quyên góp cho các nước trên thế giới, nhằm đẩy mạnh chương trình tiêm chủng toàn cầu.
Hôm 9/6 khi lên máy bay Air Force One tới châu Âu, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ sớm công bố chiến lược vaccine toàn cầu của mình.
Theo Reuters, 500 triệu liều vaccine này sẽ được gửi cho gần 100 quốc gia trong vòng hai năm tới thông qua cơ chế COVAX. Trong đó, 200 triệu liều sẽ được phân phối trong năm nay và 300 triệu liều còn lại sẽ được gửi đến 92 quốc gia có thu nhập thấp hơn và Liên minh châu Phi trong nửa đầu năm 2022.
Nhân viên y tế chuẩn bị một mũi tiêm vaccine Covid-19 của hãng Pfizer - BioNTech. Ảnh: AFP. |
Điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zient và nhóm đặc nhiệm chống Covid-19 của chính quyền Biden đã đàm phán về thỏa thuận chia sẻ vaccine này trong 4 tuần qua. Hôm 9/6, CNBC đưa tin Mỹ cũng đang thảo luận về việc mua thêm vaccine của hãng Moderna để đóng góp cho các quốc gia khác.
Chính quyền Biden trước đó tuyên bố sẽ chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vaccine Covid-19 với các nước trên thế giới cho đến cuối tháng 6. Kế hoạch được thông báo ngày 3/6 với 25 triệu liều vaccine là "gói" vaccine đầu tiên trong số 80 triệu liều này.
Theo tuyên bố đăng tải trên trang web chính thức của Nhà Trắng, 75% trong số 25 triệu liều vaccine (tức gần 19 triệu liều) sẽ được chia sẻ thông qua cơ chế COVAX.
Trong số đó, 7 triệu liều vaccine sẽ được gửi đến các nước châu Á, trong số đó có Việt Nam.
Tính đến ngày 8/6, Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tổng cộng 1.312.741 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 42.115 người.