“Chúng ta đang cạnh tranh với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới cho thế kỷ 21. Thỏa thuận này là tín hiệu với thế giới rằng chúng ta có thể vận hành, hoàn thành, và đạt được những điều quan trọng”, ông Biden nói, Wall Street Journal đưa tin ngày 25/6.
Với khoản chi 978 tỷ USD trong vòng 5 năm hoặc 1.200 tỷ USD trong vòng 8 năm, dự luật mới sẽ đầu tư vào lưới điện, vận tải, cầu đường, và các cơ sở hạ tầng khác.
Ngân sách cho khoản chi trên sẽ được lấy từ việc tái sử dụng các quỹ liên bang hiện tại, dự án hợp tác đối tác công - tư (PPP), và tăng thu ngân sách từ thuế, theo danh sách Nhà Trắng cung cấp.
Trước khi đạt thỏa thuận về gói 1.000 tỷ USD, Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó từng phải giảm giá trị gói đầu tư xuống còn 1.700 tỷ USD. Ảnh: Press Pool. |
Tuy nhiên, Tổng thống Biden cũng cảnh báo sẽ không ký ban hành dự luật trên nếu những phần khác trong kế hoạch chi tiêu 4.000 tỷ USD của ông không được thông qua.
“Nếu đây là dự luật duy nhất được trình ra với tôi, tôi sẽ không ký”, ông Biden nói.
Ông Biden và các lãnh đạo đảng Dân chủ bày tỏ ý định sẽ đồng thời cố gắng thông qua một dự luật khác về vấn đề “hạ tầng con người”, tức đầu tư vào giáo dục, y tế, và giảm nghèo.
Dự luật thứ 2 dự kiến được thông qua ở Thượng viện Mỹ bằng cơ chế ngân sách có tên gọi “hòa giải”. Cơ chế này cho phép đảng Dân chủ - đảng đang có 50 ghế, tương đương 50% số ghế, ở Thượng viện - ban hành dự luật mà không cần có đủ 60 phiếu.
Ý định của ông Biden lập tức hứng chỉ trích của đảng Cộng hòa.
“Chưa đầy hai tiếng sau khi công khai khen ngợi đồng nghiệp của chúng tôi và chấp nhận thỏa thuận lưỡng đảng, tổng thống đã có hành động đáng kinh ngạc là đe dọa phủ quyết thỏa thuận ấy”, lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell nói. “Đó không phải là cách để thể hiện bạn nghiêm túc trong việc đạt được kết quả có sự đồng thuận lưỡng đảng”.
Lindsey Graham, một trong 21 Thượng nghị sĩ Cộng hòa tham gia đàm phán thỏa thuận về hạ tầng, cho biết mình sẽ rút lại sự ủng hộ nếu thông tin Tổng thống Biden từ chối ký ban hành thỏa thuận hạ tầng trừ khi dự luật hòa giải cũng được thông qua là thật.
Trước đó, Tổng thống Biden hồi cuối tháng 3 tung kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD. Để thuyết phục các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và có đủ 60 phiếu ở Thượng viện, ông Biden từng giảm gói đầu tư xuống còn 1.700 tỷ USD nhưng không thành công.