Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Reuters. |
Chiến lược nêu rõ ngay cả sau cuộc xung đột ở Ukraine, Trung Quốc vẫn là thách thức lớn nhất. Và Mỹ phải giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ trang, kinh tế với nước này, nếu muốn duy trì ảnh hưởng toàn cầu, Reuters đưa tin ngày 13/10.
"Trung Quốc nuôi dưỡng ý định và ngày càng có khả năng định hình lại trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho họ", Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết khi giới thiệu chính sách.
Ông nhấn mạnh Washington phải quản lý mối quan hệ với Trung Quốc trong khi đối phó với những thách thức toàn cầu bao gồm biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, bệnh truyền nhiễm, khủng bố, chuyển đổi năng lượng và lạm phát.
Bản chiến lược dài 48 trang, bị trì hoãn bởi cuộc xung đột ở Ukraine, không có sự thay đổi lớn nào về tư tưởng và không đưa ra học thuyết chính sách đối ngoại mới.
Tổng thống Joe Biden cũng chưa giải quyết được một số cuộc tranh luận quan trọng về chính sách đối ngoại, bao gồm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc do cựu Tổng thống Donald Trump thiết lập, và những vấn đề mới xuất phát từ xung đột ở Ukraine, bao gồm xích mích với đồng minh lâu năm Saudi Arabia và sự phụ thuộc của Ấn Độ vào năng lượng Nga.
Một khu vực trúng không kích ở Zaporizhzhia, Ukraine. Ảnh: New York Times. |
Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định chiến lược tập trung quá nhiều vào Trung Quốc.
"Trong suốt 21 tháng xây dựng, chiến lược này rõ ràng đã tập trung quá nhiều vào cạnh tranh với Trung Quốc", ông nói.
Bên cạnh đó, bản chiến lược sửa đổi cũng nhấn mạnh sự gắn kết giữa các nước NATO, đồng thời bao gồm những lời cảnh báo đối với Moscow.
"Mỹ sẽ không để Nga, hoặc bất kỳ cường quốc nào, đạt được các mục tiêu thông qua việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân", tài liệu cho biết, song không có sự giải thích rõ ràng về phản ứng của Mỹ và NATO, theo New York Times.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo phương Tây rằng Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ, theo Tass.