"Không hề phóng đại khi nói rằng Shinzo Abe chính là người đã khai sinh ra khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", tác giả Mihir Sharma, nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát tại New Delhi, viết trong bài bình luận trên Bloomberg.
Cách đây 20 năm, "khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" là khái niệm không tồn tại. Nhưng giờ đây, khi đọc sách trắng quốc phòng của các cường quốc, hay lắng nghe phát biểu của lãnh đạo các quốc gia, khái niệm gắn liền với khu vực có sự hiện diện của các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới xuất hiện với tần suất dày đặc.
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là tầm nhìn gắn kết địa chính trị, địa kinh tế, và quân sự giữa các quốc gia nằm ở hai đại dương lớn và quan trọng bậc nhất thế giới, một chiến lược ngày càng được nhiều quốc gia hưởng ứng. Kiến trúc sư của chiến lược này, không ai khác, là Shinzo Abe.
Nhưng tầm nhìn của ông Abe về một châu Á mới được thúc đẩy cùng sự phủ nhận tội ác của phát xít Nhật ở nhiều nước láng giềng, cụ thể là Hàn Quốc, Triều Tiên và Trung Quốc. Và làm sao để tái quân sự hóa Nhật Bản trong khi không phải bảo vệ quá khứ quân phiệt là một câu hỏi mà ông Abe chưa trả lời được.
Di sản của ông sẽ được định đoạt bằng hành động của chính phủ Nhật Bản trong những năm tới. Hoặc có thể, làn sóng dân túy đang làm chao đảo các nền dân chủ trên thế giới vài năm qua có thể khiến chủ nghĩa dân tộc của ông Abe trong có vẻ ít nguy hiểm hơn, ông Sharma bình luận.
Cha đẻ của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Vào tháng 8/2007, trong bài phát biểu mang tính bước ngoặt trước quốc hội Ấn Độ trong lần đầu tiên làm thủ tướng, ông Abe kêu gọi hai quốc gia tạo ra "một châu Á rộng lớn hơn" tại "nơi hợp lưu" của hai đại dương, một châu Á cần có sự tham gia của các nền dân chủ hướng biển lớn như Mỹ, Australia hay Indonesia.
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải chỉ là một câu khẩu hiệu sáo rỗng. Tầm nhìn về một châu Á bao trùm, rộng mở đã trở thành khát vọng của Tokyo, cũng như cảm hứng trong quyết sách của Mỹ cùng các đồng minh.
Một thập niên sau đó, trong bối cảnh nước Mỹ thu mình dưới thời Donald Trump, các chính sách của cố Thủ tướng Abe đã định hình nên một kiến trúc an ninh, kinh tế tại khu vực, đến nay mở ra cơ hội bảo vệ dòng chảy tự do thương mại và tư tưởng ở châu Á, Thái Bình Dương, thậm chí xa hơn.
Cố Thủ tướng Abe cùng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka năm 2019. Ảnh: AP. |
"Chỉ riêng bởi điều ấy thôi, ông Abe xứng đáng được nhớ đến là một trong những nhà lãnh đạo để lại nhiều ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 21 cho đến nay", Bloomberg bình luận.
Ấn Độ, quốc gia từ lâu định hướng chính sách an ninh quanh lục địa Á - Âu, giờ đây đã bắt đầu coi mình là một quốc gia hàng hải, một phần nhờ công Thủ tướng Abe và những nỗ lực không ngừng nghỉ thúc đẩy tạo ra các liên minh dựa trên lợi ích biển khơi.
Với các quốc gia ven biển ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cảm thấy sức ép từ một thế giới đơn cực nơi Bắc Kinh chính là cực đơn nhất ấy, các sáng kiến của ông Abe, trong đó có nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ - Nhật - Ấn - Australia, mở ra cơ hội tạo ra thế cân bằng.
Phủ nhận quá khứ
Tại những nơi phát xít Nhật Bản từng chiếm đóng và gây ra tội ác chiến tranh, ký ức về Thế chiến II vẫn còn tươi mới. Quan điểm "tẩy trắng quá khứ phát xít" cũng như nỗ lực tái quân sự hóa Nhật Bản của ông không được hoan nghênh.
Cố thủ tướng thậm chí cho rằng một số điều khoản trong hiến pháp Nhật Bản hiện nay, như điều 9 về hòa bình, là di sản mà người Mỹ đã áp đặt. Trong mắt những người theo chủ nghĩa tự do ở trong nước, nỗ lực của ông Abe đưa Nhật Bản thoát khỏi mặc cảm hậu chiến là điều nguy hiểm.
Trung Quốc, Triều Tiên và phần nào là Hàn Quốc, ba láng giềng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ quá khứ quân phiệt của Tokyo, là những nước phản ứng mạnh mẽ nhất với lập trường tái quân sự hóa Nhật Bản của ông Abe.
Tác giả Sharma lưu ý rằng ông viết bài bình luận về ông Abe từ Berlin (Đức), thủ đô một đất nước vừa quyết định tái vũ trang (sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine) nhưng đồng thời là nơi mà ít ai có thể chỉ trích một chính trị gia là người biện minh cho chủ nghĩa quân phiệt như cách mà ông Abe thường bị chỉ trích.
Nhưng ở những quốc gia châu Á khác, người ta xem ông trước hết là một chiến binh bảo vệ cho tự do và dân chủ. Khi ông Abe viết khu vực "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" cần được đưa vào các tuyên bố và chiến lược chung, có lẽ nhà lãnh đạo nước Nhật muốn gửi đi thông điệp về bảo vệ tự do thương mại trên một trong những tuyến vận tải hàng hải bận rộn và cũng nhiều tranh chấp nhất thế giới.
Chính sách về quốc phòng của ông Abe gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: Reuters. |
Nhưng ông cũng muốn người ta nhìn thấy sự cần thiết có một nền tảng quốc phòng chung, các giá trị quyền con người phổ quát chung trong thời đại chủ nghĩa bá quyền ngày càng trỗi dậy. Đó có lẽ là những gì các đối tác nhìn thấy từ nỗ lực quốc tế của ông Abe.
"Chắc chắn các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ, châu Âu hay Australia muốn một Nhật Bản hướng về bên ngoài, đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn về an ninh. Đó cũng là Nhật Bản mà ông Shinzo Abe hứa hẹn tạo ra", bài viết trên Bloomberg bình luận.
Nhưng làm thế nào để tái quân sự hóa Nhật Bản mà không bị coi là tẩy trắng cho quá khứ quân phiệt là câu hỏi khó mà bản thân ông Abe cũng chưa đủ khả năng trả lời rốt ráo.
Có lẽ, sau khi ông Abe qua đời, một chính khách bước tiếp theo tư tưởng của ông có cơ hội thuận lợi hơn để giải được bài toán học búa nói trên. Xét cho cùng, khi nhìn vào làn sóng dân túy bùng lên khắp thế giới trong những năm gần đây, ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa mà ông Abe thổi vào Nhật Bản xem ra vẫn còn hiền dịu.
"Shinzo Abe là một trong những người theo chủ nghĩa quốc tế lỗi lạc nhất trong thời kỳ của ông, kiến trúc sư của hệ thống an ninh tập thể tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", David Frum, cố vấn cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, nhận định.
Ông Abe cuối cùng được lịch sử nhìn nhận thế nào sẽ phụ thuộc, một phần, vào hành động trong những thập kỷ tới của Nhật Bản - đất nước mà ông đã tái định hình sau 9 năm cầm quyền.
Trong một bài viết công bố ngày ông trở lại ghế thủ tướng Nhật Bản năm 2012, Abe cho biết ưu tiên hàng đầu của ông là "mở rộng tầm nhìn chiến lược của Nhật Bản". Ông đồng thời nhấn mạnh nền ngoại giao của Nhật Bản "phải luôn dựa vào dân chủ, thượng tôn pháp luật và tôn trọng nhân quyền".
"Một Nhật Bản đóng vai trò nền tảng cho kiến trúc kinh tế, chính trị mở, bao trùm ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ giúp thế giới nhận rõ nên tưởng nhớ Shinzo Abe theo cách nào", Bloomberg nhận định.