Khi rời khỏi vị trí lãnh đạo đất nước tháng 9/2020, ông Shinzo Abe là thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản. Sau 9 năm làm thủ tướng, ông Abe để lại một di sản quân sự - đối ngoại dù gây tranh cãi nhưng lại cho thấy sự phù hợp của nó trước những hoàn cảnh mới của thế giới.
Ông tìm cách thay đổi Nhật Bản, từ một nước nằm dưới ô bảo hộ hạt nhân của Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn về mặt quân sự, hành xử quyết đoán hơn hơn, có khả năng định hình thế giới. Tham vọng đó biến ông Abe trở thành "diều hâu" cho cánh tả Nhật Bản lẫn các nạn nhân Thế chiến II tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong mắt ông Abe, Nhật Bản chịu đựng một bản án thiếu công bằng sau Thế chiến II, với bản hiến pháp hòa bình do Mỹ soạn thảo, văn bản đã không cho phép Nhật Bản có một quân đội bình thường hay cư xử như một quốc gia đúng nghĩa. Trong mắt những người phản đối, nỗ lực của ông Abe là một sự tẩy trắng quá khứ và là tham vọng xây dựng nên một nước Nhật dân tộc chủ nghĩa.
Cải tổ toàn diện
"Shinzo Abe có lẽ là nhà lãnh đạo đáng chú ý nhất của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh Lạnh", Yuichi Hosoya, giáo sư chính trị quốc tế Đại học Keio, nhận xét về ông Abe.
Theo chuyên gia người Nhật, ông Abe đã tạo ra những thay đổi căn bản cho bộ mặt an ninh - đối ngoại của Tokyo.
Thứ nhất, ông đã cải tổ bộ máy an ninh khi cho ra đời Hội đồng An ninh Quốc gia năm 2013.
Trong thời gian dài trước đó, một trong những thách thức lớn về chính sách đối ngoại với Nhật Bản là điều phối những lập trường đôi khi rất khác biệt, bởi sự ganh đua giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, và Bộ Kinh tế Thương mại, khiến nhiều thủ tướng bất lực.
Sau khi ra đời, Hội đồng An ninh Quốc gia là nơi xây dựng đường lối an ninh đối ngoại thống nhất của Tokyo, cho phép chính quyền ông Abe thực thi một chính sách đối ngoại cấp tiến và nhất quán. Cơ quan này hiện được lãnh đạo bởi một quan chức cấp bộ trưởng cùng hơn 100 nhân viên.
Cố Thủ tướng Shinzo Abe và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP. |
Thứ hai, cựu Thủ tướng Abe đã thúc đẩy thông qua một "đại chiến lược an ninh quốc gia" thực sự.
"Trước năm 2012, Nhật Bản 4 lần công bố các chương trình quốc phòng, nhưng không cái nào giúp mang tới một chiến lược an ninh quốc gia nhất quán. Việc thông qua chiến lược an ninh quốc gia tháng 12/2013 giúp Nhật Bản có một tầm nhìn dài hạn rõ ràng", giáo sư Hosoya nói.
Thứ ba, ông Abe tập trung vào các giá trị thực sự quan trọng với vị thế toàn cầu của Nhật Bản.
Trước thời Abe, chính sách đối ngoại của Tokyo mang tính thực dụng, tập trung vào khía cạnh kinh tế. Nhưng khi lên nắm quyền, ông Abe ưu tiên hợp tác với các nước có chung hệ giá trị như Mỹ, Anh, Australia, Pháp và Ấn Độ.
Đây là lý do Tokyo có thể hợp tác với Washington, New Delhi và Canberra cho ra đời nhóm "Bộ Tứ", cùng khái niệm mới về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Ảnh hưởng của Nhật Bản được củng cố thông qua tăng cường hợp tác với các nền dân chủ cùng chí hướng. Về tổng thể, thúc đẩy ngoại giao hướng vào các giá trị chung là điều ngoại lệ chưa từng có trong lịch sử Nhật Bản", giáo sư Hosoya nhận định.
Ba khía cạnh nói trên cuối cùng hội tụ trong văn kiện "Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP) của Nhật Bản.
Trong quá khứ, Tokyo thường thực hiện theo các chiến lược, tầm nhìn do Washington đề xuất. Nhưng với FOIP, lần đầu tiên sau Thế chiến 2, Nhật Bản tự công bố một tầm nhìn quan trọng về trật tự quốc tế, văn kiện này sau đó được Mỹ, Pháp, Ấn Độ và Anh ủng hộ.
Khi còn nắm quyền, cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ ủng hộ vai trò lãnh đạo của Nhật Bản với FOIP. Thời điểm đó, bởi Washington thiếu đi một tầm nhìn chiến lược, Tokyo đóng vai trò quan trọng định hình trật tự thế giới và khu vực.
Nhật Bản cứng rắn hơn
Một trong những mục tiêu suốt 9 năm cầm quyền mà cố Thủ tướng Abe ấp ủ là sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, điều mà đến nay vẫn là mục tiêu dang dở.
Sau Thế chiến II, điều 9 hiến pháp Nhật Bản quy định nước này “cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế” và “lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì".
Ông Abe hiểu rằng việc viết lại điều 9 và biến Nhật Bản trở thành “quốc gia bình thường” có quân đội là không thể. Chủ nghĩa hòa bình đã ăn sâu vào suy nghĩ của dân Nhật Bản.
Bởi những trở ngại từ quy trình lập pháp phức tạp cũng như sự phản đối của người dân, kế hoạch sửa đổi hiến pháp của ông Abe không bao giờ thành hiện thực.
Vì vậy, ông đề xuất thêm khoản mới trong điều 9 nhằm khẳng định vị thế của Lực lượng phòng vệ (SDF). Việc thừa nhận sự tồn tại của SDF cũng hợp pháp hóa vai trò hiện tại của lực lượng này.
Một trong các ưu tiên của ông Abe củng cố vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Tháng 7/2014, chính quyền Thủ tướng Abe gây tranh cãi khi giải thích lại điều 9 hiến pháp, theo đó đề xuất cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài trong trường hợp đồng minh bị tấn công vũ trang.
Đến tháng 9/2015, quốc hội Nhật Bản bỏ phiếu thông qua luật hợp pháp hóa đề xuất trên của ông Abe.
Hiến pháp hòa bình cũng không ngăn được ông Abe liên tục tăng cường sức mạnh của SDF.
Sau khi hồi phục từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, từ 2015, ngân sách quốc phòng của Tokyo liên tục tăng. Trong năm cuối nhiệm kỳ của ông Abe, Nhật Bản dành 49,15 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng.
Tháng 5/2019, chính quyền ông Abe hoàn tất thỏa thuận mua 105 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ. Đến năm 2021, Nhật Bản sở hữu 23 máy bay F-35, cùng 123 chiếc đã đặt hàng chờ chuyển giao, biến Tokyo thành khách hàng mua F-35 lớn nhất từ Mỹ.
Ông Abe được Washington ca ngợi vì thúc đẩy quan hệ song phương Mỹ - Nhật, ngay cả trong 4 năm sóng gió dưới thời Donald Trump. Với ông Abe, liên minh lịch sử với Mỹ là cơ sở để tăng cường khả năng phòng vệ của Nhật Bản.
Dưới thời cố Thủ tướng Abe, Nhật Bản không ngại va chạm với Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề, từ quần đảo tranh chấp Sensaku/Điếu Ngư, Đài Loan, cho đến đền Yasukuni.
Tháng 7/2013, ông Abe tới thăm đảo Ishigaki gần quần đảo Sensaku, hành động mà sau đó bị Bắc Kinh chỉ trích quyết liệt.
Chỉ 5 tháng sau đó, ông Abe tới thăm đền Yasukuni, nơi thờ các binh sĩ Nhật Bản thiệt mạng trong chiến tranh, trong đó có một số sĩ quan quân phiệt phạm tội ác chiến tranh trong Thế chiến 2.
Những năm nhiệm kỳ cuối, ông Abe ngày càng tỏ ra lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà ông Abe là kiến trúc sư ra đời nhằm mục đích cân bằng lực lượng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
Sau khi rời nhiệm sở, ông Abe nhiều lần chỉ trích Trung Quốc vì vấn đề Đài Loan. Tháng 3 vừa qua, ông kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden chấm dứt chính sách an ninh mập mờ trong quan hệ với Đài Loan.
Điều tiếc nuối của ông Abe
"Bất chấp nhiều thành tựu, những gì Abe đạt được chưa bao giờ tương xứng với tham vọng của ông. Abe ra đi để lại nhiều mục tiêu chưa được hoàn thành", tổ chức tư vấn chính sách Langley Esquire bình luận.
Những mục tiêu tham vọng và phức tạp mà ông Abe còn dang dở như sửa đổi hiến pháp, trao trả tù nhân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt giữ, hay giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Chính sách với Nga cũng là một trong những tiếc nuối của ông Abe. Cố thủ tướng từng tin rằng ông có thể đàm phán để giành lại 2, thậm chí 4, đảo thuộc quần đảo Kuril từ tay Moscow.
Để thúc đẩy đàm phán với Moscow, ông Abe tìm cách xây dựng quan hệ cá nhân thân tình với Tổng thống Vladimir Putin. Chính quyền Abe cũng tìm cách củng cố hợp tác kinh tế thông qua nhiều dự án năng lượng. Nhưng đến cuối cùng, mọi nỗ lực đàm phán rơi vào bế tắc.
Ông Abe thông báo từ chức năm 2020. Ảnh: New York Times. |
Ông Abe cũng bị đánh giá là không bao giờ quá được yêu thích trong công chúng Nhật Bản, dù hiếm khi tỷ lệ ủng hộ dành cho ông giảm xuống mức nguy hiểm.
Các cáo buộc về chủ nghĩa bè phái và tham nhũng luôn đeo đẳng chính quyền ông. Chính sách ứng phó Covid-19 trong thời gian đầu của ông Abe cũng không được lòng cử tri.
Dù vậy, Nhật Bản đã trở thành một đất nước rất khác dưới bàn tay ông Abe. Trước khi Covid-19 ập đến, số người nước ngoài đến thăm và định cư ở Nhật Bản nhiều nhất trong lịch sử.
Nhật Bản cũng được xem là đầu tàu bảo vệ các giá trị tự do thương mại khi chính quyền ông Abe đóng vai thuyền trưởng cứu con tàu TPP khỏi đắm bởi Mỹ bỏ rơi hiệp định, từ đó CPTPP với 11 thành viên đã ra đời.
"Đa phần các quốc gia hoan nghênh Nhật Bản tham gia tích cực trong các vấn đề quốc tế. Kỹ năng chính trị và sự bền bỉ của Abe đã đưa Nhật Bản bước đi vững chắc trên con đường ấy. Nhiệm vụ của những người kế nhiệm là bước tiếp con đường của ông", Langley Esquire bình luận.