Lần gần nhất một tổng thống Mỹ bị bắn là năm 1981. Khi đó, Tổng thống Ronald Reagan chỉ mới đảm nhiệm chức vụ được gần 2 tháng, hung thủ là một người đàn ông tên John Hinckley.
Nhà lãnh đạo Mỹ bị trúng một phát đạn khi đang ngồi trong xe ôtô. Vết thương của ông Reagan không nhẹ, nó khiến ông phải nhập viện điều trị, nhưng ông chủ Nhà Trắng sau đó đã hồi phục.
Kể từ sau vụ ám sát bất thành Tổng thống Reagan, bất chấp chia rẽ chính trị ngày càng gia tăng tại Mỹ, đi kèm nạn bạo lực súng đạn ngày một trầm trọng, không có thêm tổng thống Mỹ nào, dù đương chức hay về hưu, bị ám sát.
Trong thế giới hiện đại, ám sát các nhà lãnh đạo cấp cao là điều rất hiếm hoi so với quá khứ, đặc biệt tại các nước thuộc nhóm phát triển. Đây là một trong những lý do khiến vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 8/7 là thông tin gây sốc cho toàn thế giới, theo Washington Post.
Số vụ ám sát những chính trị gia cấp cao ở các nước phát triển. Nguồn: Washington Post. |
Trong giai đoạn 1920-1970, đã xảy ra tổng cộng 13 vụ ám sát các quan chức lãnh đạo đương nhiệm hoặc về hưu tại 60 nước có chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất.
Cũng tại nhóm này kể từ 1971, chỉ xảy ra 7 vụ việc tương tự. Trong vòng 20 năm vừa qua, không chính trị gia cấp cao nào bị sát hại tại nhóm nước này.
Với Nhật Bản, lần cuối một chính trị gia cấp cao bị ám sát là từ hơn 80 năm trước. Đó là khoảng thời gian trước khi Thế chiến II nổ ra. Giai đoạn này chứng kiến hàng loạt vụ ám sát các quan chức hàng đầu đất nước. Nhưng kể từ sau Thế chiến II, không có thêm những vụ việc tương tự.
Tại Mỹ, quốc gia mà việc sở hữu súng đã dẫn tới nạn bạo lực súng đạn ngày càng tồi tệ hơn, John F. Kennedy là tổng thống duy nhất kể từ 1901 thiệt mạng trong một vụ nổ súng.
Sau ông Kennedy, hai vụ nổ súng khác xảy ra nhắm vào Tổng thống Gerald Ford và Ronald Reagan. Nhưng hai nhà lãnh đạo này đều sống sót.
Trong các vụ ám sát thời hiện đại, hung thủ đều sử dụng súng. Hôm 8/7, nghi phạm bắn chết ông Abe sử dụng một khẩu súng tự chế, trong bối cảnh Nhật Bản có luật kiểm soát súng đạn rất chặt chẽ.
Nhật Bản là nước có tỷ lệ giết người bằng súng đạn thấp nhất trong nhóm nước phát triển. Nguồn: Washington Post. |
Kể từ 2021, Nhật Bản chỉ ghi nhận một trường hợp duy nhất tử vong vì bạo lực súng đạn. Để so sánh, người chết ở Mỹ vì súng đạn được ghi nhận mỗi ngày, dù dân số Mỹ chỉ gấp 2,6 lần so với Nhật Bản.
Tại Mỹ, số vụ giết người bằng súng đạn ở mức gần 60 vụ trên 1 triệu dân, so với con số gần như bằng 0 của Nhật Bản. Trung bình, mỗi người Mỹ sở hữu nhiều hơn 1 khẩu súng, con số này là gần bằng 0 tại Nhật Bản.
Về tổng thể, nếu so sánh với các nước phát triển, Nhật Bản có số người chết vì súng đạn cũng như tỷ lệ người sở hữu súng thấp nhất.
Bởi vậy, những gì vừa xảy ra tại Nhật Bản là điều bất thường gây sốc. Không chỉ bởi hiện tượng ám sát các lãnh đạo cấp cao là điều hiếm xảy ra, nó còn xuất phát từ thực tế tội phạm súng đạn là điều rất hiếm thấy ở Nhật Bản.