Mới tuần trước, nhiều chuyên gia y tế công cộng đã phản đối dữ dội chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả người Mỹ trưởng thành của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Họ lập luận có rất ít bằng chứng khoa học chứng minh đây là điều cần thiết.
Tuy nhiên, biến chủng Omicron đã thay đổi tất cả suy nghĩ đó, theo New York Times.
Các nhà khoa học vẫn chưa biết chắc chắn liệu biến chủng mới có dễ lây lan hay ít bị tổn thương hơn trước phản ứng miễn dịch của cơ thể. Với nhiều đột biến mới, Omicron dường như trốn tránh tấm chắn vaccine ở một mức độ đáng kể.
Các mũi vaccine tăng cường làm tăng mức độ kháng thể, tăng cường khả năng phòng thủ của cơ thể và có thể giúp chống lại bất cứ lợi thế nào mà Omicron đạt được.
Nhiều chuyên gia từng phản đối giờ tin rằng mũi vaccine tăng cường có thể mang lại khả năng phòng thủ tốt nhất trước biến chủng mới. Liều tăng cường ít nhất có thể làm chậm sự lây lan trong lúc các nhà sản xuất phát triển loại vaccine dành riêng cho Omicron nếu cần.
"Dựa trên những gì chúng ta biết về khả năng né tránh miễn dịch, tôi đã có suy nghĩ sai lầm về mũi tăng cường", tiến sĩ Celine Gounder - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Bệnh viện Bellevue, người từng phản đối chính sách của ông Biden - chia sẻ.
Xuất hiện "kẻ thù đáng gờm"
Biến chủng Omicron, lần đầu tiên được xác định ở miền Nam châu Phi, đã lan ra hơn 20 quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng nguy cơ do Omicron gây ra là "rất cao". Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp đặt lệnh hạn chế di chuyển bằng đường hàng không đến và đi từ khu vực này.
Omicron mang theo 32 đột biến trên gai protein, bộ phận giúp virus bám dính vào tế bào cơ thể người và đồng thời là đối tượng mà các loại vaccine Covid-19 nhắm đến.
Chính quyền Biden không chờ đợi sự đồng thuận của giới khoa học. Trước cảnh báo sơ bộ về Omicron, các quan chức tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) kêu gọi mọi người trưởng thành ở Mỹ đi tiêm mũi nhắc lại hồi đầu tuần.
Mỹ ghi nhận trường hợp nhiễm chủng Omicron đầu tiên vào hôm 1/12. Đó là du khách trở về California từ Nam Phi vào ngày 22/11. Người này đã tiêm phòng đầy đủ - nhưng chưa tiêm nhắc lại - và có triệu chứng nhẹ. Tới nay, ít nhất 5 bang ở Mỹ đang ghi nhận ca nhiễm biến chủng mới này.
Nhiều chuyên gia lo ngại Omicron kháng các loại vaccine hiện có. Ảnh: AFP. |
Cho đến nay, các chuyên gia như tiến sĩ Gounder lập luận mặc dù hiệu lực của vaccine trong chống lại sự lây nhiễm biến chủng Delta suy yếu, chúng vẫn bảo vệ hầu hết mọi người khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
Họ cho rằng chỉ nên tiêm mũi tăng cường cho người trên 65 tuổi, sống trong cơ sở chăm sóc sức khỏe hoặc có hệ miễn dịch kém.
Nếu biến chủng Delta là mối đe dọa duy nhất, họ vẫn giữ nguyên ý kiến. Nhưng Omicron lại là "kẻ thù đáng gờm hơn".
"Nếu Omicron có khả năng cao chống lại kháng thể, dù chưa được chứng minh, thì mũi vaccine tăng cường là hợp lý", John Moore - nhà virus học tại Weill Cornell Medicine ở New York - cho biết. “Tôi muốn xem thêm dữ liệu, nhưng sẽ không có hại gì nếu mọi người có thêm hàng rào bảo vệ".
Ngay cả trước khi có Omicron, một số chuyên gia đã muốn tất cả người lớn nhận liều vaccine tăng cường khi số ca mắc ở Mỹ tăng lên trở lại trong những tuần gần đây.
"Chúng tôi thực sự cần chấm dứt điều này", tiến sĩ Camille Kotton, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và là cố vấn CDC, nói. "Bây giờ, hơn bao giờ hết, là thời điểm tuyệt vời nhất để tiêm cho những người chưa chủng ngừa hoặc nhận mũi tăng cường".
Sự do dự ban đầu của tiến sĩ Kotton một phần bắt nguồn từ việc thiếu nghiên cứu liên quan đến sự an toàn mũi tiêm nhắc lại ở thanh niên. Dữ liệu hiện có đã làm giảm bớt lo ngại của bác sĩ đến mức bà giục con trai đang học đại học đi nhận liều tăng cường.
“Tôi đã thay đổi”, chuyên gia nói. "Suy nghĩ về rủi ro và lợi ích, việc tiêm liều tăng cường cho những người đủ tiêu chuẩn là ý tưởng không tồi".
Cần tính toán hợp lý hơn
Những ý kiến ủng hộ mũi tăng cường có thể làm phức tạp hơn nỗ lực cung cấp vaccine cho các nước nghèo. WHO cho biết trong nhiều tháng, rất lâu trước khi biến chủng Omicron xuất hiện, liều tăng cường ở các nước giàu đang lấy đi những cơ hội được tiêm mũi đầu tiên cấp thiết hơn nhiều ở các quốc gia khác.
Bất chấp phân loại Omicron vào nhóm "rủi ro cao", tổ chức này vẫn không thay đổi quan điểm về mũi tăng cường.
“Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ dân số là cần thiết để bảo vệ những người khỏe mạnh chống lại nhập viện hoặc tử vong”, tiến sĩ Mike Ryan - giám đốc WHO - cho biết tại một cuộc họp báo hôm 1/12.
Ông và các nhà khoa học khác nói rằng sự lây lan không thể kiểm soát của virus corona tại khu vực có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp, như châu Phi, tăng khả năng xuất hiện các biến chủng như Omicron.
Một người đàn ông nhận mũi tiêm tăng cường ngay trên xe ở Anchorage, bang Alaska, Mỹ hồi tháng 10. Ảnh: New York Times. |
Không phải tất cả chuyên gia đều ủng hộ mũi tiêm tăng cường.
Việc thúc đẩy mũi tiêm tăng cường dựa trên ý tưởng rằng kháng thể là khía cạnh trung tâm của hệ miễn dịch. Đây là một quan điểm sai lầm và coi nhẹ tầm quan trọng của các bộ phận khác trong hệ thống miễn dịch giúp ngăn bệnh nặng và tử vong, theo tiến sĩ Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục Tiêm chủng tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia và là cố vấn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Ông nói rằng mình sẽ lo lắng nếu hàng loạt người đã tiêm phòng nhiễm biến chủng Omicron phải nhập viện. Nhưng cho đến nay vẫn có bằng chứng cho thấy vaccine ngăn ngừa bệnh nặng.
“Điều đó luôn đúng, đúng khi xuất hiện 3 biến chủng đầu tiên và có khả năng vẫn đúng khi xuất hiện biến chủng mới", ông nói. “Nếu mục tiêu tiêm vaccine là để bảo vệ khỏi bệnh nhẹ, chúng ta sẽ cần tiêm liều tăng cường cho đến khi chết".
"Ngay cả khi Omicron có thể kháng vaccine, việc tiêm thêm một mũi bằng loại vaccine đang có không phải là giải pháp tốt nhất", tiến sĩ Offit nói. “Đó là con đường vòng so với những gì thực sự giúp ta thoát khỏi đại dịch này: Đưa vaccine cho những người chưa tiêm phòng".
Nếu các thử nghiệm cho thấy Omicron né tránh vaccine, các nhà sản xuất sẵn sàng điều chỉnh phiên bản mới. Quá trình đó mất ít nhất một vài tháng và có thể cần tiêm các loại vaccine hiện tại để giữ cho biến chủng nằm trong tầm kiểm soát.
Ngay cả khi kháng thể tạo ra từ vaccine hiện tại không hoàn toàn hiệu quả trong việc chống lại Omicron như từng chống lại các biến chủng trước đó, gia tăng liều lượng vẫn có thể bù đắp được yếu điểm đó, tiến sĩ Gounder nói.
Tuy nhiên, nếu cần thiết, cần căn chỉnh thời gian để cơ thể tiếp nhận nhiều liều tăng cường - trước tiên là với các vaccine hiện tại, sau đó là với phiên bản dành riêng cho Omicron. Tiến sĩ Moore nói rằng kích thích miễn dịch quá thường xuyên có thể gây phản tác dụng, một số tế bào miễn dịch có thể ngừng phản ứng với vaccine.
“Chúng ta đang phải ứng phó với một thứ khi chưa có quá nhiều thông tin về nó, nhưng hậu quả lại có thể khá nghiêm trọng", ông nói.