Giáo sư Yuen Kwok-yung, cố vấn về đại dịch cho chính quyền Hong Kong, chỉ ra rằng hai ca nhiễm Omicron đầu tiên của Hong Kong vốn là lữ khách được cách ly trong hai phòng gần nhau tại một khách sạn sân bay, South China Morning Post đưa tin ngày 1/12.
“Họ chưa từng mở cửa cùng lúc, chưa từng chạm mặt nhau, chưa từng dùng chung đồ đạc và họ vẫn lây nhiễm”, giáo sư Yuen nói và nhận định sự lây nhiễm này “xa đến bất ngờ”.
“Đây rõ ràng là trường hợp lây nhiễm qua không khí. Chúng tôi có chút lo sợ rằng mức độ lây nhiễm (của Omicron) thậm chí còn cao hơn Delta”, ông Yuen bổ sung.
Ca mắc Omicron thứ tư của Hong Kong là một hành khách quá cảnh tại sân bay. Ảnh: South China Morning Post. |
Dù vậy, ông Yuen cũng cho rằng kết luận trên không mang tính chất đại diện chung vì chỉ dựa trên sự lây nhiễm của hai ca. Khoảng một chục người ở cùng tầng với hai trường hợp trên đã được đưa đi cách ly và tới nay chưa có ai xét nghiệm dương tính.
Cùng ngày 1/12, tiến sĩ Kelvin To Kai-wang, trưởng khoa Vi sinh vật học của Đại học Hong Kong (HKU), từng bày tỏ lo ngại biến chủng mới có thể giảm 20-40% hiệu quả vaccine nhưng vẫn sẽ cần thêm nghiên cứu.
Tuy nhiên, giáo sư Yuen tỏ ra lạc quan hơn và kêu gọi người dân không nên hoảng loạn vì vaccine có thể giúp bảo vệ phần nào trước biến chủng mới.
Theo ông Yuen, hai ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên của Hong Kong đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Pfizer và có triệu chứng rất nhẹ. Mức độ kháng thể trong cơ thể họ đã tăng ít nhất 10 lần trong vòng 4-7 ngày sau khi nhập viện.
Tới nay, thế giới còn chưa có nhiều thông tin về Omicron. Biến chủng này đã xuất hiện ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Mỹ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Canada, Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Áo, Italy, Israel, Hong Kong, Botswana…