“Trên quy mô toàn cầu, chúng ta tạo ra sự kết hợp độc hại của hai yếu tố: Độ phủ tiêm chủng và số lượng xét nghiệm đều thấp. Đây là công thức để các biến chủng sản sinh và khuếch đại”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong buổi họp báo ngày 1/12, theo AFP.
“Đó là lý do chúng tôi thúc giục các nước đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng với vaccine, xét nghiệm và các phương pháp điều trị trên toàn thế giới”, ông Tedros nói.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters. |
Tổng giám đốc WHO đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh Omicron - biến chủng mới được phát hiện - khiến nhiều nước lo ngại vì có thể có mức độ nguy hiểm hơn chủng Delta.
Ông Tedros cho biết WHO nhìn nhận sự xuất hiện của Omicron “cực kỳ nghiêm túc”, nhưng cũng chỉ ra rằng biến chủng này “không nên làm chúng ta ngạc nhiên vì đây là điều virus sẽ làm”.
“Và đây là điều mà virus này sẽ tiếp tục thực hiện, chừng nào chúng ta cho phép nó tiếp tục phát tán”, ông Tedros nói.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 1/12 chỉ trích các lệnh hạn chế đi lại không công bằng và kém hiệu quả, đồng thời khiến một số nước bị cô lập.
"Chúng ta có những công cụ để bảo đảm di chuyển an toàn. Hãy sử dụng công cụ đó để tránh thứ mà tôi gọi là 'phân biệt đi lại', điều tôi nghĩ là không thể chấp nhận", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói nói với các phóng viên tại New York, Mỹ.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng các lệnh hạn chế đi lại không công bằng và kém hiệu quả. Ảnh: Reuters. |
Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc cho rằng cách duy nhất để giảm nguy cơ lây lan dịch trong khi vẫn cho phép hoạt động kinh tế và đi lại là liên tục xét nghiệm hành khách, kết hợp "các biện pháp thích hợp và thực sự hiệu quả khác".
Omicron được báo cáo lần đầu lên WHO từ Nam Phi vào ngày 24/11 với tên gọi ban đầu là B.1.1.529, trong khi ca nhiễm biến chủng này được xác nhận trong phòng thí nghiệm lần đầu tiên là ở một mẫu vật được thu thập vào ngày 9/11.
Hà Lan ngày 30/11 thông báo đã phát hiện biến chủng ở hai mẫu bệnh phẩm được lấy vào ngày 19/11 và 23/11. Một bệnh nhân gần đây từng tới Nam Phi, người còn không có lịch sử đi lại.
Mari Van Kerkhove, người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của WHO, cho biết thời điểm phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên có thể thay đổi vì có một số ca mắc từ tháng 11 chưa được giải trình tự gene.
WHO còn cho biết có thể mất vài tuần để tìm hiểu liệu Omicron có biến đổi về mức độ lây nhiễm, gây bệnh nặng hoặc kháng vaccine hay không.
“Chúng tôi dự kiến có thêm thông tin về mức độ lây nhiễm trong vài ngày tới, không nhất thiết phải mất hàng tuần mà có thể tính bằng ngày”, bà Van Kerkhove nói.