Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Obama và 'niềm tin chiến thắng' trong cuộc đua vào Nhà Trắng

Là gương mặt nổi tiếng của truyền thông, với những chiến công đã đạt được trong suốt 4 năm cầm quyền, ông Obama có lợi thế vượt trội hơn so với ứng viên Cộng hòa Mitt Romney.

Obama và 'niềm tin chiến thắng' trong cuộc đua vào Nhà Trắng

Là gương mặt nổi tiếng của truyền thông, với những chiến công đã đạt được trong suốt 4 năm cầm quyền, ông Obama có lợi thế vượt trội hơn so với ứng viên Cộng hòa Mitt Romney.

Có nhiều lý do để tin đương kim Tổng thống Mỹ sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Không như ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney,  Tổng thống Obama có 4 năm thành tích để phô ra trong cuộc đua vào Nhà Trắng.  Cụ thể, trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng, ông Obama đạt được những thành công đáng kể trên ba mặt trận chính: giải quyết di sản mà người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Bush để lại, đổi mới chính sách đối ngoại và chủ trương xây dựng một chiến lược lâu dài, hướng tới các vấn đề toàn cầu đang nổi lên trong thế kỷ 21.

Đầu tiên, Obama đã thành công trong việc thu dọn di sản của người tiền nhiệm. Là người kết thúc hai cuộc chiến tranh nhiều mất mát, đau thương và đắt đỏ của người Mỹ ở Iraq và Afghanistan với quyết định từ nay cho đến năm 2014 sẽ rút gần như toàn bộ lính Mỹ ở đây về nước, Tổng thống Obama làm nức lòng người dân Mỹ.

Chính quyền Obama phấn đấu đến cuối năm 2014 sẽ đưa gần như toàn bộ lính Mỹ ở Iraq và Afghanistan về nhà.

Tuy nhiên, chính quyền Obama không bỏ rơi Iraq. Nhằm ngăn chặn Iran thừa cơ Mỹ vắng bóng ở Iraq để bành trường quyền lực tại đây, chính quyền Obama khôn ngoan tăng cường các biện pháp trừng phát Tehran, gia tăng sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong khu vực, củng cố các khả năng phòng thủ tên lửa và thắt chặt quan hệ quân sự với các đồng minh ở vịnh Péc-xích. Rõ ràng, một Iran bị cô lập sẽ khó lòng “chơi khó” Mỹ với một liên minh quân sự hùng mạnh tại vùng Vịnh.

Đối với Afghanistan, chính quyền Obama tập trung vào chiến dịch truy quét mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Ông chủ Nhà Trắng từng quyết định gửi thêm 30.000 quân tới đây đồng thời tăng cường triển khai máy bay không người lái cho các chiến dịch truy quét khủng bố. Chính quyền Obama cũng tích cực đào tạo, huấn luyện các lực lượng an ninh Afghanistan, hướng tới việc bàn giao lại trách nhiệm cũng như quyền điều hành đất nước cho chính phủ Kabul.

Ngoài ra, với việc thực thi chính sách đối ngoại mới dựa trên sức mạnh mềm và quyền lực thông minh, Tổng thống Obama cũng giúp làm sống lại hình ảnh ôn hòa hơn của Mỹ trong mắt cộng đồng quốc tế. Một số biểu hiện là, chính quyền Obama chủ trương đàm phán với Iran và Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của họ; nỗ lực tránh các cuộc chiến tranh can thiệp mới vào Trung Đông, tái thiết quan hệ với Nga, thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc…

Dù thực tế, đàm phán, ngoại giao không thể tạo ra kết quả nhanh chóng và lập tức cũng như chưa mang lại những kết quả như kỳ vọng thì chính sách đối ngoại mới của Tổng thống Obama rõ ràng được cộng đồng quốc tế và đông đảo người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình hoan nghênh hơn “chính sách ngoại giao súng lục” thời Bush mà ứng viên đảng Cộng hòa Romney dường như chắc chắn sẽ lặp lại. Thực tế đã chứng minh, chính sách đối ngoại hiếu chiến, vốn coi thuật ngoại giao là lãng phí thời gian và tấn công quân sự là quyền cơ bản của Mỹ mà chính quyền Bush theo đuổi không hề hiệu quả.

Các khảo sát mới nhất của trung tâm nghiên cứu Pew tại 9 nước châu Âu thu về kết quả, người dân ở đây hiện có quan điểm tích cực và cái nhìn thiện cảm hơn đối với Mỹ so với thời điểm năm 2008. Trong khi đó, cuộc thăm dò ý kiến trên toàn toàn quốc của Pew hồi tháng trước cho kết quả, có tới 52% số người được hỏi ý kiến có cái nhìn không thiện cảm về ông Romney, so với 37% có ý kiến ngược lại. Còn đương kim Tổng thống Barack Obama thì đang có ưu thế hơn khi được 50% người dân đánh giá tích cực, so với 45% không ủng hộ.

Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng thành công trong việc mở rộng tầm nhìn chiến lược của Mỹ và đặt nền tảng cho một chiến lược lâu dài để phù hợp với các cơ hội cũng như thách thức đang nổi lên trong thế kỷ 21.

Chính sách “xoay trục” hướng về châu Á - Thái Bình Dương mà chính quyền Obama đang theo đuổi là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực tái cân bằng các ưu tiên của Mỹ. Thông qua chiến lược này, Mỹ có thể tăng cường hiện diện cũng như thắt chặt các quan hệ thương mại với khu vực.

Một tàu sân bay của Mỹ di chuyển trên Thái Bình Dương.

Điều này không chỉ giúp Mỹ tối đa hóa lợi ích thương mại ở khu vực kinh tế năng động nhất thế giới mà còn là chìa khóa để Washington thực thi các cam kết giữ ổn định khu vực, đồng thời kìm chế Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang nỗ lực bành trướng ảnh hưởng ra bên ngoài.

Chưa hết, chính quyền Obama còn giành được nhiều thành tựu trong việc thắt chặt quan hệ với các cường quốc mới nổi trên toàn cầu bao gồm Ấn Độ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các “đại gia” khu vực mới nổi chẳng hạn Indonesia.

Trong cương lĩnh tranh cử năm 2008 và tái tranh cử năm nay, các vấn đề mà Tổng thống Obama cam kết theo đuổi cũng là một yếu tố thuyết phục, ông xứng đáng trở thành người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng một lần nữa. Các vấn đề này bao gồm: ủng hộ việc giải trừ và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ngăn chặn các loại tội ác hàng loạt, ứng phó kịp thời với các tình trạng khẩn cấp, đảm bảo an ninh mạng, thúc đẩy cho phát triển toàn cầu, dân chủ và nhân quyền cũng như sự ấm lên toàn cầu…

Dù thực tế, trên một số lĩnh vực, chính quyền Obama chưa giành được các tiến bộ như kỳ vọng song với một nhiệm kỳ thứ 2, đương kim Tổng thống Mỹ sẽ có cơ hội để tiếp tục phấn đấu cho các mục tiêu này.

Một lý do khác để tin, Tổng thống Obama có nhiều cơ hội chiến thắng hơn so với ông Romney trong cuộc đua vào Nhà Trắng xuất phát từ sự nổi tiếng của ông. Là tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ và được tôn vinh như là người hùng của đất nước sau sự thành công của sứ mệnh tiêu diệt trùm khủng bố khét tiếng, Osama bin Laden, Tổng thống Obama trở thành "minh tinh" đối với truyền thông. Và đây là một lợi thế rất lớn của ông so với đối thủ, ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney.

Cuối cùng, không phải ngẫu nhiên khi học giả kiêm nhà viết kịch, nhà sản xuất phim nổi tiếng Aaron Sorkin, tác giả của các bộ phim truyền hình West Wing, American President, từng tuyên bố, Nhà Trắng là nơi nắm giữ lợi thế sân nhà tuyệt vời nhất thế giới. Kể từ năm 1980, chỉ có duy nhất một đương kim tổng thống Mỹ là George H.W. Bush thất bại trong chiến dịch tái tranh cử.

Phương Đăng

Theo Infonet

Phương Đăng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm