Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: NewsAsia |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Channel News Asia bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN vừa diễn ra tại Sunnylands, California, Tổng thống Barack Obama khẳng định Mỹ sẽ “tiếp tục kiểm tra” độ chân thành của Trung Quốc trong cam kết không quân sự hóa Biển Đông.
Ông Obama cũng cho rằng Trung Quốc đang sử dụng lại những chiến thuật cũ trên vùng biển huyết mạch bậc nhất thế giới này.
“Chúng tôi cho rằng, Trung Quốc đang trông cậy vào những chiến thuật cũ để đạt được mục đích ở Biển Đông dù chúng đi ngược lại với luật pháp và các chuẩn mực quốc tế đã được đặt ra để làm cơ sở trong việc giải quyết các tranh chấp”, Tổng thống Obama nhấn mạnh trong buổi phỏng vấn ngày 16/2.
Nhận định của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra sau khi Truyền thông Mỹ cáo buộc Bắc Kinh triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa thừa nhận hay bác bỏ việc triển khai tên lửa tới Phú Lâm nhưng trong một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, Bắc Kinh thừa nhận triển khai “vũ khí” trên đảo.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang ngược cho rằng đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, là lãnh thổ của Trung Quốc và quốc gia này có quyền triển khai các cơ sở quốc phòng nhằm bảo vệ cái gọi là chủ quyền lãnh thổ của họ.
Trước những diễn biến phức tạp trên thực địa, tổng thống Mỹ cho rằng “xung đột vẫn có nguy cơ xảy ra đáng kể” giữa các bên trong tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra giả thuyết việc Mỹ và Trung Quốc gây chiến vì những tranh chấp trên vùng biển này.
“Trên thực tế, chính quyền của chúng tôi duy trì mối quan hệ rất mang tính xây dựng với chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi tin tưởng rất nhiều vào hòa bình đang được vun đắp với Bắc Kinh. Chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ rất lo lắng trước một Trung Quốc yếu và hỗn loạn hơn một Trung Quốc tiếp tục phát triển và đáp ứng mọi nhu cầu, nguyện vọng của người dân”, ông Obama nói.
Về vấn đề quân sự hóa Biển Đông, Tổng thống Obama khẳng định ông đã đề cập tới việc không quân sự hóa vùng biển huyết mạch bậc nhất thế giới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du Mỹ hồi tháng 9/2015 và đã nhận được sự đảm bảo. “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra độ chân thành của Trung Quốc đối với cam kết này”, ông nói.
Dù vấn đề Biển Đông rất được quan tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN diễn ra ở Sunnylands nhưng tuyên bố chung lại không đề cập tới đích danh Trung Quốc trong vấn đề nóng bỏng này mà chỉ kêu gọi các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp. Đã từ lâu, các nước ASEAN thúc giục Trung Quốc tuân thủ Bộ quy tắc về Ứng xử trên Biển Đông (COC).
Philippines, một trong 10 thành viên ASEAN, đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc ở Hague, Hà Lan nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Nhiều khả năng, tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào cuối năm nay. Trung Quốc bác bỏ thẩm quyền của Tòa và tuyên số sẽ không tuân thủ bất cứ phán quyết nào. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, áp lực quốc tế sẽ buộc Bắc Kinh phải thi hành dù Tòa Trọng tài không có cơ chế cưỡng chế.