Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 19/2, Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng các cuộc tuần tra của máy bay và chiến hạm Mỹ, cùng với những cuộc tập trận chung với đối tác khu vực mà Lầu Năm Góc tiến hành mới là nguyên nhân thực sự khiến dư luận lo ngại về hòa bình và ổn định.
"Những hành động ấy khiến căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, và đó là hành vi quân sự hóa Biển Đông thực sự", AP dẫn lời Hồng nói.
Trước đó, truyền thông Mỹ công bố những ảnh vệ tinh về việc Trung Quốc đưa nhiều tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trung Quốc không phủ nhận, song ngang ngược biện hộ rằng họ có quyền bảo vệ lãnh thổ, đồng thời nhắc lại rằng những hải đăng, trạm dự báo thời tiết và những công trình cơ sở hạ tầng khác mà Bắc Kinh xây dựng trên các đảo chỉ để "phục vụ cộng đồng quốc tế".
Hôm 19/2, Philippines bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước tin Trung Quốc đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm.
"Những hành động như thế mâu thuẫn với cam kết không quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc từng đưa ra trước đây", thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy sự hiện diện của tên lửa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Washington chỉ trích hành động của Bắc Kinh đe dọa tự do hàng hải trong một khu vực chiến lược quan trọng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bình luận rằng những hình ảnh về tên lửa Trung Quốc do vệ tinh thương mại phát hiện trong thời gian gần đây trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trái ngược với cam kết không quân sự hóa Biển Đông mà nhà chức trách Trung Quốc đưa ra. “Người Trung Quốc thường nói một đằng, làm một nẻo”, ông Kirby khẳng định trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 18/2.
“Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ nỗ lực quân sự hóa của Trung Quốc đã dừng lại. Bắc Kinh cũng chẳng làm gì để ổn định tình hình và giúp khu vực an toàn hơn mà họ đang thực hiện những hành động có thể gây ra hậu quả trái ngược”, ông nói thêm.
Hai vị thủ tướng của Australia và New Zealand cũng thảo luận về tình hình Biển Đông trong một cuộc hội đàm hôm 19/2. Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo kêu gọi tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông ngừng mọi hoạt động xây dựng, quân sự hóa các đảo và cải tạo đất để giảm căng thẳng.
Ông Malcolm Turnbul, Thủ tướng Australia, phát biểu rằng, nếu Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn những bất đồng nhỏ leo thang thành chiến tranh giữa cường quốc cũ và mới, Bắc Kinh phải giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, Thủ tướng John Key của New Zealand, quốc gia phát triển đầu tiên công nhận Trung Quốc là nền kinh thế thị trường và ký thỏa thuận thương mại tự do song phương giữa hai nước, đã tận dụng mối quan hệ với Bắc Kinh để thúc giục nước này thực hiện các biện pháp nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông.