Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lời hứa 'không quân sự hoá' của TQ không áp dụng ở Hoàng Sa?

Một số chuyên gia chỉ ra rằng, lời hứa không theo đuổi quân sự hoá ở Biển Đông của ông Tập Cận Bình chỉ áp dụng với những đảo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Trường Sa.

Ảnh vệ tinh so sánh hiện trạng đảo Quang Hoà thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh trái chụp vào năm 2014 so với ảnh phải chụp vào giữa tháng 1/2016. Trung Quốc đã hút cát từ đáy biển để làm tăng diện tích của đảo, đồng thời xây dựng căn cứ trực thăng trái phép tại đây. Ảnh: ImageSat International

Khi chỉ trích việc Trung Quốc đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhắc lại lời hứa “không quân sự hoá” mà ông Tập Cận Bình nói với Tổng thống Obama hồi tháng 9/2015. Ngày 19/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tiếp tục chỉ trích Trung Quốc “nói một đằng, làm một nẻo”.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 17/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng viện dẫn cam kết của ông Tập về việc không theo đuổi quân sự hoá và cho biết “Tokyo sẽ yêu cầu Bắc Kinh giải thích rõ ràng và minh bạch về hành động của họ”.

Một số nhà quan sát nói việc Trung Quốc ngang nhiên điều tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm không phải là điều bất ngờ, do trước đó họ đã triển khai trái phép máy bay chiến đấu J-11 đến đây hồi tháng 11/2015. Bài xã luận ngày 18/2 của New York Times nhận định, các hành động của Trung Quốc khiến thế giới nghi ngờ về lời cam kết “không theo đuổi quân sự hoá” của ông Tập Cận Bình.

Trung Quốc chỉ hứa đối với Trường Sa

Một số chuyên gia đã đưa ra những nhận định về bản chất trong lời hứa này của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trao đổi với Zing.vn, Tiến sĩ Malcolm Cook nói “chính sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn khác với quần đảo Trường Sa”. “Lời hứa ‘không quân sự hoá’ của ông Tập Cận Bình chỉ áp dụng đối với Trường Sa”.

Tiến sĩ Malcolm Cook, nhà nghiên cứu về an ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore). Ảnh: East West Center

Theo Tiến sĩ Cook, việc Trung Quốc đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm không phải là điều gây ngạc nhiên lớn. Từ sau khi chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã phát triển đảo Phú Lâm cho các mục đích quân sự bất hợp pháp của họ.

“Đây là vấn đề hoàn toàn khác biệt so với những đảo nhân tạo mới bồi lắp ở Trường Sa. Theo tôi, một tín hiệu tích cực là truyền thông quốc tế đã xem xét việc phát triển quân sự của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa tương tự ở Trường Sa, và đây không đơn giản chỉ là vấn đề trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc”, ông Cook phân tích.

Chia sẻ với nhận định trên, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (Đại học George Mason, Mỹ) cũng cho rằng tuyên bố không quân sự hoá mà ông Tập đưa ra trong cuộc họp thượng đỉnh Trung - Mỹ chỉ áp dụng với các đảo ở Trường Sa. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các nhà lãnh đạo của Trung Quốc luôn luôn nhắc đến nhu cầu xây cất để phòng thủ.

Tên lửa đất đối không HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cảnh báo: “Trung Quốc nhiều khả năng sẽ gia tăng quân sự hoá ở Hoàng Sa với mục đích phòng thủ, đồng thời tăng phạm vi hoạt động quân sự của họ. Ngoài ra, các chuyên gia ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định rằng điều gì mà Trung Quốc đã làm ở Hoàng Sa thì họ sẽ áp dụng ở Trường Sa”.

Trung Quốc cũng không giấu ý đồ quân sự hoá ở quần đảo Hoàng Sa, sau khi xây dựng các đồn điền quân sự và đưa người ra đây. Thời báo Hoàn cầu ngày 18/2 dẫn lời học giả Shi Yinhong (Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh), ngang nhiên lập luận rằng: “Việc xây dựng các cơ sở quân sự ở Hoàng Sa cũng như đặt chúng ở Thượng Hải”.

Trung Quốc có thể gia tăng quân sự ở Hoàng Sa

Cuối tháng 1/2016, Hải quân Mỹ điều tàu thực hiện cuộc tuần tra ở khu vực quần đảo Hoàng Sa để khẳng định quyền tự do lưu thông (FONOP). Trung Quốc ngay lập tức phản đối mạnh mẽ hành động này của Mỹ. Trước đó, vào cuối năm 2015, Bắc Kinh cũng bất ngờ tố Mỹ đã điều máy bay ném bom B-52 bay qua các đảo nhân tạo. Washington đính chính đây là sự “nhầm lẫn”. Do vậy, việc điều tên lửa đất đối không được cho là sự phản ứng trực tiếp đối với Mỹ.

Trong bài viết trên báo Guardian, Tiến sĩ Euan Graham (Viện Lowy, Australia) nhận định, nếu chiến dịch lâu dài của Trung Quốc là tìm cách thống trị quân sự ở Biển Đông, thì động cơ trước mắt của các tên lửa HQ-9 là ngăn chặn ý đồ của Mỹ muốn thực hiện các chuyến bay tuần tra đến gần quần đảo Hoàng Sa.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Hải An

Theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, các tên lửa của Trung Quốc có tầm xa 200 km nên chúng bao phủ được toàn vùng không gian trên Hoàng Sa. “Vì tên lửa đặt cố định nên chúng có thể dễ bị tiêu huỷ. Do vậy, hành động này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch thực hiện các hoạt động FONOP của Hải quân Mỹ".

Tiến sĩ Malcolm Cook cho rằng Hải quân Mỹ chắc chắn sẽ cân nhắc phản ứng mới nhất của Trung Quốc. “Tuy nhiên, tôi không tin điều này sẽ khiến Mỹ phải ngưng các hoạt động tuần tra FONOP. Diễn biến quan trọng sắp tới là liệu Mỹ có thực hiện thêm chuyến tuần tra nào ở Hoàng Sa, trước khi Tổng thống Obama thăm Việt Nam vào tháng 5 hay không”, ông nói với Zing.vn.

Michael Green, cựu giám đốc vấn đề châu Á của Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng, trả lời trên Financial Times rằng: “Khi ông Tập Cận Bình nói rằng ông sẽ không quân sự hoá các đảo, dường như ông ‘quên’ không thông báo với toàn bộ Uỷ ban quân sự trung ương”.

Sau những diễn biến gây lo ngại, nhiều chuyên gia chỉ rõ rằng, việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện quân sự ở những đảo chiếm đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa, và các đảo mới bồi đắp ở Trường Sa là những bước chuẩn bị để Bắc Kinh tiến tới tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, qua đó kiểm soát không phận ở khu vực này.

'Sau tên lửa, TQ có thể đưa thêm vũ khí đến đảo Phú Lâm'

Trao đổi với Zing.vn, ông Dương Danh Dy nhận định việc TQ điều tên lửa đến đảo Phú Lâm chỉ là bước đầu của quá trình đưa vũ khí trái phép đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.


Minh Anh

Bạn có thể quan tâm