Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Đà Nẵng |
John Kirby, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết những hình ảnh về tên lửa Trung Quốc do vệ tinh thương mại phát hiện trong thời gian gần đây trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đi ngược lại với cam kết không quân sự hóa Biển Đông mà nhà chức trách Trung Quốc đưa ra, theo Reuters.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kirby khẳng định: “Người Trung Quốc thường nói một đằng, làm một nẻo”.
“Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ nỗ lực quân sự hóa của Trung Quốc đã dừng lại. Bắc Kinh cũng chẳng làm gì nhằm ổn định tình hình và giúp khu vực an toàn hơn mà họ đang thực thi những điều có thể gây ra hậu quả trái ngược”, ông Kirby nhấn mạnh.
Hôm 17/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc đàm phán “rất nghiêm túc” với Trung Quốc về vấn đề quân sự hóa Biển Đông. Bắc Kinh gần đây cũng thừa nhận việc triển khai tên lửa ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, dù trước đó phía Trung Quốc cáo buộc truyền thông phương Tây “thổi phồng sự việc”.
Trước đó, Fox News dẫn những ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 14/2. Theo ảnh vệ tinh do hãng ImageSat International (ISI) chụp lại, 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng với một hệ thống radar đã được Trung Quốc triển khai trái phép đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Một quan chức Mỹ xác nhận rằng ảnh vệ tinh phản ánh đúng thực tế đang diễn ra. Vị này cho biết thêm, tên lửa của Trung Quốc điều ra là hệ thống phòng không HQ-9, gần giống với hệ thống tên lửa S-300 của Nga. HQ-9 có phạm vi hoạt động khoảng 200 km, tạo ra mối đe doạ với mọi loại máy bay, dù là dân sự hay quân sự, hoạt động gần đó.
Thiếu tướng David Lo, phát ngôn viên Cơ quan Quốc phòng của vùng lãnh thổ Đài Loan, cũng khẳng định Trung Quốc đại lục đã triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm.
Trong một diễn biến khác, cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều cho rằng Trung Quốc nên tuân thủ phán quyết của toà án quốc tế trong vụ kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, dự kiến được đưa ra vào cuối năm.
Hiện tại, Bắc Kinh không thừa nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài đồng thời tuyên bố từ chối tuân thủ mọi phán quyết nếu có. Trước các quan điểm hiện tại của Trung Quốc, Amy Searight, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Nam và Đông Nam Á, nhận định, Mỹ, EU và các đồng minh như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc phải làm rõ rằng phán quyết của tòa sẽ có tính rằng buộc và Trung Quốc sẽ phải trả giá nếu họ làm ngơ khi thua kiện.
Trước những hành động phi pháp của nước ngoài trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhiều lần khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Việt Nam từng nhiều lần yêu cầu các bên chấm dứt những hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự, làm leo thang căng thẳng, phức tạp tình hình ở Biển Đông.
Mỹ luôn tuyên bố họ không phải một bên trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nhưng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tham vọng chủ quyền của Trung Quốc, có thể ảnh hưởng tới giao thương và vận tải hàng hóa trên tuyến đường biển huyết mạch bậc nhất thế giới.
Mỹ từng thực thi nhiều hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không quanh các đảo phi pháp mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấp trên Biển Đông nhằm phủ nhận yêu sách chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra.