Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sau tên lửa, TQ có thể đưa thêm vũ khí đến đảo Phú Lâm'

Trao đổi với Zing.vn, ông Dương Danh Dy nhận định việc TQ điều tên lửa đến đảo Phú Lâm chỉ là bước đầu của quá trình đưa vũ khí trái phép đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tên lửa đất đối không HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

- Nhiều nhà quan sát không bất ngờ khi Trung Quốc điều tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm bởi nước này từng triển khai trái phép chiến đấu J-11 cơ ra đảo hồi tháng 11/2015. Quan điểm của ông về hành động lần này của Trung Quốc? Liệu triển khai tên lửa có phải ý đồ tạm thời?

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Hải Anh

- Đây là hành động thể hiện rõ âm mưu, ý đồ bành trướng - bá quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, kể từ đó họ đưa người tới du lịch và lập căn cứ. Đây là "hoạt động bình thường" trong ý đồ bành trướng của Trung Quốc và sớm muộn họ sẽ làm. Trung Quốc sẽ hiện thực hóa âm mưu khi xét thấy có điều kiện như dư luận trong nước, quốc tế.

- Với sự xuất hiện của máy bay J-11 và tên lửa HQ-9, ông có cho rằng Trung Quốc đang vượt qua lằn ranh đỏ để từ đó triển khai thêm các đơn vị hải, lục, không quân ra những đảo mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép?

- Tôi cho rằng điều này có thể xảy ra. Trung Quốc sẽ tiếp tục các hành động trái phép trên Biển Đông. Sức mạnh về kinh tế ảnh hưởng rất lớn tới ý đồ bành trướng của Trung Quốc. Trung Quốc hiện rất mạnh về kinh tế. Khi GDP của Trung Quốc vượt Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, họ tuyên bố coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi của nước này. Theo đó, nếu mọi hành động "đụng chạm" tới lợi ích cốt lõi này, Trung Quốc sẽ không để yên.

- Việc các tên lửa Trung Quốc xuất hiện trên đảo Phú Lâm vào gần thời điểm diễn ra Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN cho thấy ý đồ gì của Bắc Kinh? Và vai trò của các tên lửa trong kế hoạch rộng hơn của họ?

- Mọi hành động của Trung Quốc đều nằm trong toan tính kỹ lưỡng. Việc chọn thời điểm đưa tên lửa tới Hoàng Sa trùng sự kiện Hội nghị Mỹ - ASEAN là cách Trung Quốc cảnh cáo rằng Washington hãy dè chừng, không thể dễ dàng qua mặt họ như vậy. Bởi trong tâm trí của Trung Quốc, họ luôn nghĩ mình là nước có vị trí ở châu Á, Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ phớt lờ mọi lời đáp trả và cảnh báo từ Trung Quốc, đồng thời thách thức trực tiếp nước này ở Biển Đông. Những hành động của Mỹ ở Biển Đông, gồm ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, có ý nghĩa quan trọng.

- Một số chuyên gia chỉ ra rằng việc triển khai tên lửa là cách đáp trả trực tiếp đối với các hoạt động tuần tra khẳng định quyền tự do lưu thông của Mỹ (FONOP). Ông cho rằng biện pháp này có thực sự có tác dụng?

- Động thái từ Trung Quốc có ảnh hưởng nhưng không lớn. Nó không thể ngăn Mỹ tiếp tục lưu thông tự do cả trên bộ và trên không. Theo cá nhân tôi, Washington sẽ tiếp tục chiến dịch này.

Ảnh chụp vệ tinh của ImageSat International cho thấy tên lửa xuất hiện ở bờ biển quanh đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vào ngày 14/2. Ảnh: ISI

- Sau khi báo chí thế giới đưa tin, ông Vương Nghị và Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng mập mờ chứ không như những lần trước, khi họ ngang nhiên xác nhận các hành động dựa trên những quyền sai trái. Theo ông, liệu đây có tiếp tục là sự mâu thuẫn giữa chính sách đối ngoại và các hoạt động thực địa của Trung Quốc?

- Tất cả chúng ta đều biết, Trung Quốc là quốc gia thường "nói không đi đôi với làm". Việc Trung Quốc mập mờ phản ánh 2 vấn đề. Thứ nhất, Trung Quốc không thể ngang ngược muốn làm gì thì làm như trước. Thứ hai, các nước có liên quan, đặc biệt là Mỹ, đã có thái độ mạnh mẽ, cứng rắn hơn.

Dự báo về Trung Quốc là rất khó. Nhưng một điều phải khẳng định, là nước này không bao giờ từ bỏ hành động bá quyền, trừ khi họ thất bại nặng nề. Sắp tới, tôi cho rằng Bắc Kinh có thể còn thực hiện nhiều chuyện nguy hiểm ở Biển Đông.

Thời gian qua, do một số nước như Ấn Độ, Philippines ngày càng mạnh lên và Mỹ thực hiện chính sách xoay trục tới châu Á nên Trung Quốc còn ngần ngại. Nếu có cơ hội, nước này sẽ làm mọi cách để đạt tham vọng bá quyền trên biển.

Các đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Philippines cùng khối ASEAN thể hiện rõ thái độ cương quyết phản đối Trung Quốc, nên Bắc Kinh cũng sẽ phải dè chừng.

Riêng Việt Nam, chúng ta cần đánh giá đúng Trung Quốc, không được chủ quan nhưng cũng không nên lo sợ trước sức mạnh và vị thế của họ. Bởi Việt Nam có đầy đủ bằng chứng không thể tranh cãi về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Đe dọa hàng không dân dụng

- Theo ông, việc điều tên lửa đất đối không phạm vi hoạt động 200 km của Trung Quốc vi phạm và gây đe doạ đến an toàn hàng không cụ thể như thế nào?

- PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, ĐH Bách Khoa TP HCM: Cần phải khẳng định các tên lửa của Trung Quốc rõ ràng là sự đe doạ nguy hiểm đối với an toàn hàng không trong khu vực. Giả sử một tình huống rủi ro xảy ra dẫn đến việc phóng tên lửa, chắc chắn nó sẽ đe doạ đến những máy bay đang hoạt động tại vùng này, dù là phi cơ dân sự hay quân sự. Cần lưu ý rằng hoạt động của máy bay dân sự ở vùng trời này rất nhộn nhịp.

Những rủi ro xảy ra ở những vùng chiến sự, như trường hợp máy bay của Malaysia Airlines bị trúng tên lửa ở đông Ukraine (tháng 7/2014), là hậu quả của việc tên lửa được triển khai để tấn công máy bay quân sự nhưng lại bắn nhầm phi cơ dân sự.

Do đó, hành động của Bắc Kinh chính là muốn đe doạ, gây áp lực, vi phạm các quy định về an toàn hàng không, các luật quốc tế về quyền lãnh thổ và hải đảo. Dường như Bắc Kinh đang nghĩ rằng họ có sức mạnh nên họ có thể tuỳ tiện hành động. Đây là việc làm mà chúng ta cần phải cực lực lên án Trung Quốc.

Từ trước đến nay, khu vực quanh đảo Phú Lâm vốn không phải là vùng chiến sự, cũng không phải khu vực quân sự và chưa từng có tên lửa xuất hiện. Đây được xem là vùng an toàn đối với hàng không dân dụng. Do vậy, khu vực này tuyệt đối không có nguyên nhân nào để Trung Quốc phải đưa tên lửa đến đây.

- Tên lửa đất đối không của Trung Quốc sẽ gây ra mối đe doạ với những máy bay tuần tra các nước hoạt động trên Biển Đông, ví dụ P-8 của Mỹ, như thế nào?

- Rõ ràng sự xuất hiện của tên lửa HQ-9 tạo ra nguy hiểm đối với các máy bay tuần tra này, trừ phi chúng được trang bị tên lửa không đối không. Có thể thấy, Trung Quốc cố ý tạo ra căng thẳng quân sự trong khu vực.

Hành động của Trung Quốc dường như đang đi theo “lý thuyết trò chơi”. Họ đã tiến hành bước đi này, thì họ sẽ không chịu rút lui. Bắc Kinh chắc chắn đã lường trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Nhưng họ đã có kế hoạch “lấn từng bước”, tính toán để đe doạ các máy bay quân sự hoạt động trên vùng này.

Ngay cả mục đích mà Trung Quốc rêu rao là phòng vệ, thì các hoạt động này cũng chỉ được diễn ra trong phạm vi trên hòn đảo để chống lại những vụ tấn công đổ bộ, chứ không phải nhằm vào các máy bay trên không.

Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc điều tên lửa đến đảo Phú Lâm

Ngoại trưởng Mỹ ngày 17/2 chỉ trích Trung Quốc vì “gia tăng quân sự hoá” ở Biển Đông, sau khi có tin nước này đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông bất chấp tên lửa Trung Quốc

Các quan chức Mỹ khẳng định việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm của Việt Nam không ảnh hưởng tới các chuyến tuần tra Biển Đông do Washington tiến hành.

Hải Anh - Minh Anh (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm