Tàu chiến duyên hải USS Fort Worth (LCS 3) của Mỹ. Ảnh: CNN |
Theo South China Morning Post, ngày 19/2, tài khoản mạng xã hội của tờ Nhân dân Nhật báo phiên bản nước ngoài đăng tải bài bình luận với giọng điệu đầy khiêu khích. Nhân dân Nhật báo là tờ báo trực thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bài này vô căn cứ khi viết, quần đảo Hoàng Sa, nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc hơn 40 năm, là "điểm mấu chốt" trong việc bảo vệ Biển Đông. “Trung Quốc phải nêu lập trường rõ ràng đối với khu vực này bằng cách hành động cứng rắn hơn trước bất kỳ sự xâm phạm”, bài xã luận ngang ngược viết.
Bài này gợi ý, một số “hành động cứng rắn” quân đội Trung Quốc có thể thực hiện gồm “xua đuổi các tàu khỏi khu vực” và thậm chí “đâm va với các tàu khác trong tình huống nghiêm trọng nhất nhằm dạy cho Mỹ một bài học”.
"Sự linh hoạt và răn đe đúng cách sẽ tốt cho hòa bình", bài bình luận viết với lời lẽ khiêu khích.
Mỹ từng hai lần điều tàu tới các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông. Lần gần đây nhất, theo lệnh của Bộ Quốc phòng Mỹ, hải quân nước này điều tàu USS Curtis Wilbur tiến vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Bài bình luận với lời lẽ xảo trá và mang tính thách thức xuất hiện trong bối cảnh dư luận quốc tế phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc triển khai hệ thống phòng không HQ-9 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, John Kirby, cho hay ảnh vệ tinh cho thấy việc Trung Quốc mới triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm. Điều này trái với cam kết không quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc từng nêu. "Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo", ông Kirby phát biểu trong cuộc họp báo ngày 18/2.
"Tôi nhận thấy Trung Quốc sẽ không dừng nỗ lực quân sự hóa và không thực hiện bất kỳ hành động nào để giúp tình hình Biển Đông ổn định và an toàn hơn", ông nói.
Ngày 19/2, Việt Nam gửi công hàm phản đối lên Liên Hợp Quốc trước việc Trung Quốc xây căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa và đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
"Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó", người phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ.
Australia và New Zealand hôm 19/2 thúc giục mạnh mẽ Trung Quốc không gây thêm căng thẳng ở Biển Đông sau khi Bắc Kinh triển khai trái phép hệ thống tên lửa tới đảo Phú Lâm.
Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbul, kêu gọi tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông ngừng mọi hoạt động xây dựng, quân sự hóa các đảo và cải tạo đất. Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand John Key nói rằng, họ sẽ tận dụng mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh để thúc giục nước này thực hiện các biện pháp nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông.