Obama - Tập Cận Bình nhất trí xây quan hệ nước lớn kiểu mới
Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh bằng việc thừa nhận mặc dù có bất đồng trong một số lĩnh vực, nhưng hai nước nhất trí tăng cường hợp tác nhằm xây dựng "mối quan hệ nước lớn kiểu mới".
Hai nhà lãnh đạo không cà vạt tại cuộc gặp cấp cao không chính thức tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở bang California ngày 7/6. |
Cạnh tranh và hợp tác
Báo New York Times tường thuật phát biểu trước báo giới, hai bên đã cam kết đưa quan hệ Mỹ - Trung lên tầm hợp tác mới. Báo nhận định tuyên bố đầu tiên của hai nhà lãnh đạo là rất lạc quan nhưng né tránh đi vào chi tiết cụ thể.
Đầu tiên Tổng thống Obama khen ngợi: “Mỹ hoan nghênh sự vươn lên vì hòa bình của Trung Quốc như một siêu cường”. Ông ghi nhận Mỹ và Trung Quốc đều nhất trí xem việc liên lạc và đối thoại liên tục mang tính chất xây dựng, thẳng thắn là rất quan trọng để tiến tới định hình quan hệ Mỹ-Trung trong những năm tới.
Ông bày tỏ hy vọng cuộc đối thoại mở rộng và không chính thức này sẽ dẫn đến mô hình hợp tác mới. Ông đề cập ngắn gọn về vấn đề an ninh mạng và quyền con người nhưng chỉ tập trung vào các yếu tố tích cực.
Ông cho rằng quyết định gặp sớm ông Tập Cận Bình cho thấy tầm quan trọng của quan hệ hai nước. Ông nói Mỹ đang tìm kiếm một trật tự kinh tế quốc tế mà trong đó các quốc gia tuân thủ các quy định chung, giao thương tự do và bình đẳng, nơi mà Mỹ và Trung Quốc cùng làm việc chung để giải quyết các vấn đề như an ninh mạng hay bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Ông khẳng định điểm khởi đầu lịch sử mới trong quan hệ Mỹ-Trung là định hình kiểu quan hệ mà hai bên muốn hướng tới, một mối quan hệ vì lợi ích chung, vì hòa bình và phát triển trên thế giới.
Để giải quyết các xung đột song phương, ông cho rằng cần phải tìm kiếm quân bình giữa cạnh tranh và hợp tác.
Điểm xuất phát mới lịch sử
Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá Thái Bình Dương đủ rộng cho cả hai nước và khẳng định mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng mô hình quan hệ mới với Mỹ, một mô hình quan hệ mới giữa hai cường quốc.
Ông nhắc lại thời kỳ đầu thập niên 1970, dưới thời Tổng thống Richard Nixon, Bắc Kinh và Washington đã tiến lại gần nhau sau nhiều năm đối đầu. Ông mong muốn quan hệ hợp tác Trung-Mỹ được tăng cường hơn và nói: “Quan hệ giữa hai nước đang ở điểm xuất phát mới lịch sử”.
Ông nhìn nhận cần phải đấu tranh chống tội phạm tin học và cho rằng có vấn đề nhầm lẫn vì Trung Quốc cũng là nạn nhân. Một nhà báo nữ Mỹ đặt câu hỏi Trung Quốc có chịu trách nhiệm về các vụ tấn công mạng trên đất nước Mỹ hay không. Ông đã không trả lời câu hỏi này.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã mời Tổng thống Obama tham dự cuộc gặp cấp cao không chính thức ở Trung Quốc tương tự cuộc gặp lần này ở Mỹ.
Nhất trí khuôn khổ không gian mạng
Giới quan sát quốc tế đang chờ đợi liệu cuộc gặp cấp cao lần này có mang lại niềm tin chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc như lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 2/2012 trên cương vị phó chủ tịch Trung Quốc.
Báo Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ nhận định ông Tập Cận Bình muốn thúc đẩy một hội nghị cấp cao Mỹ-Trung và đồng ý đối thoại không chính thức. Nếu thất bại trong việc định hình mối quan hệ mới với Mỹ hoặc không thể lôi kéo Mỹ đáp lại đề nghị của mình, ông Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với thái độ chỉ trích từ quê nhà rằng ông chỉ tập trung vào quyền lực riêng mà không hướng tới xu hướng của Trung Quốc dựa trên sự đồng thuận chung.
Hãng tin BBC (Anh) ngày 8/6 dẫn lời nguyên Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger bày tỏ tin tưởng Trung Quốc sẽ nỗ lực thực sự trong cuộc hội đàm lần này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo cho biết Trung Quốc đã đồng ý với Mỹ, Nga và các nước rằng việc áp dụng luật pháp quốc tế đối với không gian mạng là một bước quan trọng tiến tới bảo đảm hệ thống dân sự.
Theo báo Washington Post, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói sự đồng thuận của Trung Quốc về khuôn khổ không gian mạng đã mở đường cho các cuộc thảo luận quốc tế sâu rộng hơn về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đây cũng là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy các quốc gia thực hiện hoạt động không gian mạng phải hành động theo luật pháp quốc tế trong thời bình cũng như lúc xảy ra xung đột.
Chuyên gia chính sách an ninh mạng Jame
A. Lewis nhận định Trung Quốc không còn sự lựa chọn nào khác ngoài thái độ đồng ý bởi Bắc Kinh không thể phá hỏng cuộc gặp cấp cao lần này và đây là lần đầu tiên Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng các nước nhất trí khuôn khổ không gian mạng.
Theo Pháp Luật