Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến tranh Mỹ - Trung sẽ bùng nổ trên Biển Đông?

Thái độ hành xử ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông thách thức vị thế “bá quyền” của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương song East Asia Forum nhận định, một cuộc chiến tranh giữa 2 siêu cường trên Biển Đông là khó xảy ra.

Chiến tranh Mỹ - Trung sẽ bùng nổ trên Biển Đông?

Thái độ hành xử ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông thách thức vị thế “bá quyền” của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương song East Asia Forum nhận định, một cuộc chiến tranh giữa 2 siêu cường trên Biển Đông là khó xảy ra.

Để thực hiện chiến lược tái cân bằng ảnh hưởng tại châu Á – Thái Bình Dương, Washington đã thực hiện một số bước đi để tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực này với việc triển khai thêm các tàu ngầm tấn công hạt nhân và đàm phán với Australia để đồn trú quân tại Darwin. Cùng với đó, Mỹ cũng đã triển khai các tàu tác chiến duyên hải tới Singapore và đang đàm phán với Chính phủ Philippines để có thể tiếp cận quân sự sâu hơn ở nước này.

Tuy nhiên, những diễn tiến này không thể báo trước một cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc. Giới quan sát cho biết, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tỏ ra thận trọng với những can dự của các bên ở khu vực Biển Đông, trong khi Mỹ cũng cẩn trọng để tránh “dính bẫy” của các đồng minh khu vực liên quan tới những tranh chấp chủ quyền lãnh hải của họ với Bắc Kinh. Và kịch bản về một cuộc xung đột Mỹ - Trung ở Biển Đông là rất khó xảy ra, đặc biệt xét đến mối quan hệ cộng sinh, nhất là mặt kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Nhiều khả năng, hai nước sẽ tìm ra một tạm ước cho phép họ phối hợp để duy trì an ninh trên Biển Đông. Chính quyền Tổng thống Mỹ Obama luôn khẳng định rằng, chính sách tái cân bằng ảnh hưởng tại châu Á không nhằm trực tiếp vào Trung Quốc. Chẳng hạn, Đô đốc Samuel J. Locklear III, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ gần đây nhấn mạnh, “đã xuất hiện những chỉ trích cho rằng, tái cân bằng là một chiến lược nhằm kiềm chế (Trung Quốc). Nhưng điều này không phải... đó là một chính sách hợp tác và phối hợp”. Tuy nhiên, xét lại quan hệ Mỹ - Trung trong lịch sử, việc hai bên cùng đưa ra thỏa thuận để kiểm soát an ninh ở Biển Đông là điều khó xảy ra, bởi hai nước vẫn tiếp tục sự nghi kỵ chiến lược lẫn nhau.

Tranh chấp Biển Đông ngày càng căng thẳng.

Chính vì vậy, một kịch bản thứ 3 được đưa ra, và kịch bản này xem ra khả thi hơn cả. Theo đó, Trung Quốc và Mỹ sẽ duy trì quan hệ vừa hợp tác vừa nghi kỵ lẫn nhau. Theo kịch bản này, hai nước sẽ hành động riêng rẽ để bảo vệ các lợi ích của mình thông qua các cơ chế đa phương, chẳng hạn Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ hay Diễn đàn Hàng hải ASEAN. Tuy nhiên, cả Washington và Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục hợp tác ở những lĩnh vực cùng chung lợi ích. Lầu Năm Ggóc kiên định tìm duy trì các kênh liên lạc mở với Trung Quốc thông qua 3 cơ chế song phương đã được thiết lập là Tham vấn quốc phòng, Hiệp định Tư vấn Hàng hải Quân sự (MMCA) và Đàm phán phối hợp chính sách quốc phòng.

Tóm lại, dù căng thẳng và xích mích tiếp tục diễn ra trong quan hệ Mỹ - Trung, nhưng hai bên sẽ tiếp tục phải phụ thuộc vào nhau thời gian tới, đặc biệt là về mặt kinh tế. Washington đang hứng chịu những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, trong khi Trung Quốc lại duy trì tốc độ mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, xu hướng chủ đạo của quan hệ Mỹ - Trung thời gian tới là vừa hợp tác vừa đấu tranh, tăng cường phụ thuộc về mặt kinh tế, nhưng vẫn duy trì sự nghi kỵ về mặt chiến lược. Hai nước sẽ tiếp tục trải qua nhiều căng thẳng, nhưng có chăng đó chỉ là những ngôn từ “đao to búa lớn” biện minh cho cái gọi là “tâm lý chiến”, chứ không phải một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn.

Thanh Hương

Theo Infonet

Thanh Hương

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm