Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh G20, ngày 5/9/2013 ở thành phố St. Petersburg, Nga. Ảnh: Getty |
Cuộc gặp kéo dài 20 phút giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Antalya, thành phố nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai nguyên thủ quốc gia gặp nhau tại một địa điểm không được định sẵn. Hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ ngồi đối diện nhau giữa một bàn nhỏ. Hai ông ngả về phía trước khi trò chuyện, hãng thông tấn Nga mô tả. Cố vấn an ninh Mỹ, bà Susan Rice, cùng một người có thể là thông dịch viên cũng dự cuộc gặp.
Quan chức Mỹ cho hay, hai tổng thống đã thảo luận "mang tính xây dựng" về các nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Sự kiện "phá băng" mối quan hệ giữa hai nước kể từ khi Moscow thực hiện chiến dịch dội bom Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, theo AFP.
Vài giờ trước đó, ông Obama và Putin bắt tay khi họ chụp ảnh chung cùng các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vụ tấn công liên hoàn ở Paris, Pháp hôm 13/11 ảnh hưởng lớn tới hội nghị.
Yuri Ushakov, cố vấn đối ngoại của Tổng thống Nga, nói Syria là chủ đề quan trọng trong cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Barack Obama. "Mỹ và Nga có những điểm rất giống nhau về các mục tiêu chiến lược trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, mỗi bên có chiến thuật khác nhau", Ushakov cho biết.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng nói hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã thảo luận về nỗ lực tìm ra giải pháp chính trị cho tình hình xung đột ở Syria, vấn đề vốn trở nên cấp bách hơn sau vụ khủng bố ở Paris.
"Tổng thống Obama và Tổng thống Putin đã đồng thuận về sự cần thiết của một giai đoạn chuyển tiếp chính trị do Syria dẫn đầu, bao gồm những cuộc đàm phán giữa chính phủ Damascus với phe đối lập Syria, cũng như việc thực thi ngừng bắn", quan chức Mỹ nói.
Tại cuộc họp G20, Tổng thống Obama hoan nghênh mọi nỗ lực của quốc gia trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của quân đội Nga trong cuộc chiến. Ông chủ Nhà Trắng cũng nói, Mỹ sẽ giúp đỡ Pháp "truy lùng những kẻ thủ ác" đã gây ra vụ khủng bố đẫm máu ở Paris. Tuy nhiên, một nguồn tin Nhà Trắng nói Washington sẽ không thay đổi những chiến lược hiện tại trong cuộc chiến chống IS.
Bộ Quốc phòng Mỹ - Pháp phối hợp chống IS
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Pháp ngày 15/11 thống nhất về "các bước đi vững chắc" nhằm tăng cường hợp tác chống IS.
"Bộ trưởng Ashton Carter và Bộ trưởng Jean-Yves le Drian đồng ý rằng hai bên cần đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ để duy trì chiến lược bền vững chống IS. Bộ trưởng Carter nhấn mạnh cam kết hỗ trợ Pháp", ông Peter Cook nói.
Tuy nhiên, thông báo của Lầu Năm Góc không nêu rõ những biện pháp hợp tác quốc phòng mà Mỹ, Pháp sắp triển khai. Pháp đã tham gia chiến dịch không kích tiêu diệt IS ở Syria và Iraq do Mỹ khởi xướng. Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Ben Rhodes, cho biết Mỹ và Pháp cũng sẽ tích cực tăng cường chia sẻ thông tin tình báo sau vụ tấn công liều chết ở Paris.
Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra trong tình trạng an ninh cao, với 12.000 binh sĩ và cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra khắp thành phố. 3.000 nhà báo đưa tin về sự kiện. Các quan chức quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã triển khai một hệ thống phòng không hoạt động liên tục 24 giờ trong suốt cuộc họp kéo dài hai ngày.