Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Obama làm 'quân cờ' của Putin trong khủng hoảng Ukraina

Những nước cờ chiến lược khôn ngoan cùng với nguồn cung khí đốt dồi dào đang giúp Nga chiếm thế thượng phong so với Mỹ trong ván cờ Ukraina.

Khẩu chiến

Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi Tổng thống Ukraina bị lật đổ Viktor Yanukovych trốn khỏi Kiev, Tổng thống Nga Valdimir Putin mô tả thay đổi quyền lực chính trị tại Ukraina là "một cuộc đảo chính bất hợp pháp và chiếm quyền bằng vũ lực". Ông ví động thái của Mỹ gần đây trong các vấn đề Ukraina là “thí nghiệm với chuột bạch” và biến đời sống chính trị ở đây thành hài kịch.

 

Ông Putin khẳng định Moscow sẵn sàng sử dụng mọi giải pháp để bảo vệ người Nga tại Ukraina. Tuy nhiên, ông nói việc sử dụng biện pháp quân sự sẽ là lựa chọn cuối cùng.

"Nếu chúng tôi nhận thấy tình trạng coi thường pháp luật bắt đầu xảy ra tại các khu vực miền đông Ukraina. Nếu người dân tại đây yêu cầu chúng tôi giúp đỡ thì chúng tôi có quyền sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ họ", ông Putin nhấn mạnh.

Đặc quyền quân sự của Nga tại Crimea

Phương Tây liên tục cáo buộc Nga đưa quân vào Crimea mà cố tình phớt lờ sự thật về thỏa thuận quân sự giữa Moscow và Kiev, cho phép Nga duy trì 25.000 quân ở bán đảo tự trị này.



Nhà lãnh đạo Nga cũng bác bỏ những thông tin quân đội nước này đang kiểm soát bán đảo Crimea của Ukraina. Ông phủ nhận những cáo buộc về việc Nga đang cân nhắc việc sáp nhập Crimea vào nước Nga. Theo Putin, các lực lượng tự vệ địa phương chiếm những tòa nhà chính quyền. 

"Nga không hứng thú với việc kích động chủ nghĩa ly khai ở Crimea", ông tuyên bố.

 

Người dân Kiev theo dõi cuộc họp báo của Tổng thống Nga Putin hôm 4/03. Ảnh: Reuters.

Vài giờ sau cuộc họp báo của người đồng cấp Nga, Tổng thống Mỹ Barack Obama đáp trả rằng, ông Putin "không lừa được ai" khi nói can thiệp vào Ukraina là cần thiết để bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga.

Tờ Washington Post dẫn lời lãnh đạo Nhà Trắng tuyên bố, những động thái của Nga tại bán đảo Crimea của Ukraina vi phạm luật pháp quốc tế. 

"Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như có một đội ngũ luật sư khác, nên đưa ra cách giải thích khác. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng điều này có thể lừa gạt được bất kỳ ai", ông Obama quả quyết. 

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng bác bỏ luận điểm trên báo chí cho rằng, những hành động của Tổng thống Nga là "chiến lược thông minh". Theo ông Obama, việc Tổng thống Nga điều động quân đội không phải là dấu hiệu của sức mạnh, mà trái lại, nó khiến các nước gần Nga nghi ngờ về kiểu can thiệp này, và "điều đó sẽ đẩy các nước lánh xa Nga hơn".

Putin giành thế thượng phong

Tuy nhiên, ngay cả các chính trị gia Mỹ không đồng tình với nhận định của ông Obama. Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ thừa nhận: “Nga chơi cờ và chúng ta (Mỹ) là con cờ”.

Rogers cho rằng Nga đang hành động quyết đoán hơn tại Crimea và sẽ không dừng lại, trong khi chính quyền Obama đang phản ứng quá nhu nhược và lép vế trước Nga.

“Đây không phải là trường hợp riêng biệt. Nga tin rằng, không ai có thể ngăn họ. Họ đang qua mặt chúng ta. Hội đồng An ninh Quốc gia và các cố vấn tổng thống sẽ ngây thơ khi cho rằng, nếu chúng ta tiếp tục nhân nhượng với Nga, họ sẽ nhận ra rằng Mỹ không phải là đối tác khó ưa. Chúng ta hoàn toàn đang nhận thức sai lầm về những động lực khiến Nga hành động như hiện nay”, ông Rogers tuyên bố.

 

Giới chức Mỹ cho rằng, can thiệp vào Ukraina là lựa chọn vô cùng sai lầm của Tổng thống Putin bởi việc này sẽ khiến vị thế của Nga suy giảm. Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng, lựa chọn của Tổng thống Putin chính là sự thử nghiệm quyền lãnh đạo của Tổng thống Obama. Và những phản ứng của ông chủ Nhà Trắng sẽ chứng minh mức độ ảnh hưởng của Mỹ đối với thế giới.

Chắc chắn cả Nga và phương Tây đều không muốn tình hình leo thang đến mức cuộc đối đầu quân sự giữa khối NATO và Nga bùng nổ. Kịch bản này vô cùng nguy hiểm. Cô lập ngoại giao và trừng phạt kinh tế luôn là vũ khí lợi hại của phương Tây.

Mỹ tuyên bố họ sẽ có biện pháp trừng phạt tài chính với giới lãnh đạo, doanh nghiệp và quân nhân Nga, nếu Moscow không chịu rút quân khỏi Crimea. Washington cũng hối thúc các nước châu Âu hành động tương tự.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, nếu Moscow và Kiev không thể đối thoại trực tiếp, EU sẽ thảo luận những biện pháp trừng phạt hạn chế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như không hề tỏ ra nao núng trước những lời hăm dọa của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các lời đe dọa trừng phạt mà phương Tây dồn dập tung ra có vẻ không làm nhà lãnh đạo Nga nao núng, và dường như phương Tây đã đánh giá thấp sự khôn ngoan của ông Putin.

"Trong thế giới hiện đại, tất cả sự việc đều có mối liên hệ. Con người cũng phụ thuộc vào nhau theo cách này hoặc cách kia. Đương nhiên người ta có thể làm tổn hại lẫn nhau, nhưng chẳng ai hưởng lợi hoàn toàn. Trước khi trừng phạt Nga, phương Tây cũng nên suy nghĩ một chút", ông Putin tuyên bố.

Nga cung cấp hơn 25% nhu cầu khí đốt cho châu Âu. Chính vì vậy, nếu Moscow cắt nguồn cung này, đời sống và nền kinh tế châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

 

Ngoài ra, ông Sergei Glazyev, cố vấn kinh tế Điện Kremlin cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ chính là con dao hai lưỡi. Nếu Mỹ chọn cách phong tỏa tài sản của Nga thì thị trường cổ phiếu cùng những khoản nợ bằng đồng USD của Moscow cũng sẽ đóng băng. Ngân hàng cũng như các doanh nghiệp Nga không thể trả nợ cho đối tác Mỹ. Thực trạng ấy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đang suy yếu của Washington.

Như vậy, Tổng thống Putin đã phát một thông điệp: Vai trò địa chính trị của Ukraina quan trọng như thế nào đối với Washington thì nó cũng quan trọng như vậy, thậm chí còn hơn, đối với Moscow.

Việc Mỹ hậu thuẫn cho các phần tử cực hữu, phát xít mới đã thực sự chạm đến tự ái dân tộc của người Nga và của cá nhân Tổng thống Putin. Moscow sẽ không ngồi yên và hoàn toàn có đủ các “quân cờ” chính trị, kinh tế, quân sự, địa lý để có thể chơi "thẳng tay" với Mỹ và các đồng minh châu Âu trong ván cờ Ukraina.

Thanh Hương

Bạn có thể quan tâm