Cuốn sách mở đầu bằng một hoạt cảnh giản dị, ngôi nhà ấm áp với người mẹ nghiêm khắc và cậu con trai nghịch ngợm. Đó là căn nhà của Max. Một đêm Max mặc đồ giả sói và nghịch ngợm, bị mẹ mắng: “Ðồ quỷ sứ giặc non”, rồi bắt đi ngủ sớm và phạt nhịn bữa tối.
Maurice kể khi sáng tác Ở nơi quỷ sứ giặc non (tựa gốc: Where the wild things are), ông nhớ lại ngày bé khi còn là một đứa trẻ nghịch ngợm, hay bị mẹ phạt tống lên phòng, không cho ăn bữa nhẹ buổi tối. Max cũng có nỗi buồn bất mãn như vậy. Mẹ mắng cậu là đồ “quỷ sứ giặc non”, còn cậu thì gào lên “con sẽ ăn thịt mẹ“. “Ừ, nếu mẹ gọi mình là đồ quỷ sứ, mình sẽ đến ở với bọn quỷ sứ, không thèm ở với mẹ nữa.” Khi Max trở về phòng mình, một khu rừng rậm dần mọc lên, căn phòng biến mất và cậu bơi thuyền qua biển lớn đến với những sinh vật hoang dại. Khi đến được một hòn đảo với những quỷ sứ giặc non, Max đã chinh phục chúng và được tôn lên làm vua. Giờ cậu muốn làm gì thì làm. Cậu thậm chí còn tống lũ quỷ sứ giặc non đi ngủ mà không cho chúng ăn tối.
Nhưng khi chơi chán, cậu lại cảm thấy cô đơn, cậu muốn ở một nơi nào đó có người yêu thương mình nhất. Và rồi cậu ngửi thấy mùi thơm rất ngon miệng. Max không chần chừ dong buồm trở lại căn phòng của mình. Ở đó có bữa ăn nhẹ buổi tối đang chờ sẵn. Nó vẫn còn nóng.
Ở nơi quỷ sứ giặc non là cuốn picture book (sách tranh) huyền thoại, thường xuyên nằm trong danh sách những cuốn sách tranh hay nhất mọi thời đại. Tác phẩm đã đoạt huân chương Caldecott cho Most Distinguished Picture book (cuốn sách tranh nổi bật nhất) vào năm 1964, được dịch ra 32 thứ tiếng và bán được hơn 20 triệu bản trên toàn thế giới. Và cho tới tận bây giờ, nó vẫn luôn nằm trong danh sách bán chạy nhất.
Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm này lại có sức sống lâu bền đến vậy. Bản thân Maurice Sendak ghét bị gọi là họa sĩ minh họa sách thiếu nhi. Bởi ông cho rằng khi sáng tác một cuốn sách tranh, ông muốn truyền tải câu chuyện ấy một cách sâu sắc, đến cả người lớn và trẻ em. Đối với ông, mỗi đứa trẻ có những nỗi đau “trưởng thành” riêng cần được tôn trọng. Ông luôn khẳng định: “Tôi từ chối việc nói dối lũ trẻ.” Maurice Sendak vẽ sách tranh không chỉ bởi ông muốn làm lũ trẻ vui thích, mà hơn thế, muốn chạm vào tâm tư sâu thẳm của chúng, vào những nỗi đau không thể đong đếm bằng những năm tháng của sự trưởng thành.
Ở nơi quỷ sứ giặc non chứa đựng tâm hồn của mỗi đứa trẻ, là phần ký ức của mỗi người trưởng thành. Thuở bé, ta luôn khao khát tự do, muốn rời xa vòng tay của cha mẹ để có thể thực hiện những việc điên rồ. Nhưng rồi khi đã có thể đạt được mục đích ấy, ta lại khao khát được trở về bên gia đình, chìm đắm trong những điều giản dị và thiêng liêng nhất, giống như việc tận hưởng một bát xúc nóng vậy.