Cầu Thăng Long - cây cầu huyết mạch trên tuyến vành đai 3 Hà Nội - dự kiến tạm dừng hoạt động từ tháng 7 để đại tu sửa chữa mặt cầu. Cầu Thăng Long đã qua 2 lần đại tu và hàng trăm lần sửa chữa nhỏ. Mặt cầu nhanh chóng hư hỏng trở lại sau mỗi lần sửa chữa. |
Mặt cầu dài khoảng 3 km, chi chít ổ gà, ổ voi. Phương tiện chỉ di chuyển được với tốc độ 10-15 km/h. |
Các khe co giãn hư hỏng nhiều năm nhưng chưa được thay thế. Từ năm 2017, đơn vị quản lý cầu phải đặt tạm 12 bản thép lên trên các khe để giảm lực xung kích. Điều này khiến mặt cầu thêm gồ ghề, phương tiện tạo tiếng ồn rất lớn khi đi qua. |
Xe tải, xe container trọng tải nặng thường xuyên đi qua cầu trong thời gian dài khiến mặt cầu bị lún, xô lệch... |
Ông Đỗ Văn Định, tài xế xe buýt 35B, cho biết các vết trám vá bằng bê tông nhựa trên mặt cầu chỉ sau 10 ngày là bong tróc, xô lệch. Trời mưa hoặc nắng nóng khiến tốc độ bong tróc nhanh hơn. |
Tầng 2 của cầu Thăng Long cấm xe máy nhưng thỉnh thoảng vẫn có người vi phạm gây mất an toàn. Đặc biệt với phần mặt cầu đã hư hỏng nặng, người điều khiển xe máy sẽ gặp nguy hiểm khi gặp các ổ gà, ổ voi. |
Để sửa chữa triệt để, đơn vị thi công sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản thép và hàn vào đó các đinh neo. Lưới thép sẽ được phủ lên trên trước khi đổ một lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao. Sau đó, các đơn vị sẽ trải lớp bê tông nhựa lên trên cùng. Dự kiến, cầu Thăng Long được đại tu từ tháng 7 và hoàn thành trong quý IV năm 2020. Tổng kinh phí đại tu lần này là gần 270 tỷ đồng. |
Khi cầu Thăng Long đóng cửa, ôtô ra vào cửa ngõ tây bắc Hà Nội sẽ dồn sang cầu Nhật Tân. |
Tuyến vành đai 3 trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10. Nếu không nhanh chóng sửa chữa nâng cấp, cầu Thăng Long sẽ trở thành điểm nghẽn của cả trục giao thông vành đai 3. |
Cầu Thăng Long khánh thành ngày 9/5/1985, sau 11 năm xây dựng. Cầu còn có tên khác là Cầu Hữu Nghị Việt Xô do công trình được Liên Xô tài trợ nguyên vật liệu và hỗ trợ thi công. |