Chiều 12/8, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cùng đại diện các đơn vị liên quan trực tiếp đi bộ dọc cầu Thăng Long để kiểm tra, đánh giá mức độ hư hỏng mặt cầu. Công trình này là mắt xích quan trọng của tuyến vành đai 3 trị giá hàng nghìn tỷ đồng đang được thi công.
Hư hỏng phải được khắc phục sớm
Trong khoảng nửa giờ đi bộ trên cầu Thăng Long, Bộ trưởng GTVT đã nắm bắt tình trạng hư hỏng bề mặt cầu, kết dầm thép, khe co giãn mặt cầu tầng hai, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc. Ông cũng làm việc trực tiếp với lãnh đạo Tổng cục Đường bộ về tình trạng xuống cấp của cầu.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thị sát cầu Thăng Long. Ảnh: N.T. |
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho biết tình trạng các khe co giãn trên cầu bị hư hỏng từ nhiều năm nay. Việc quản lý khe co giãn thuộc về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Từ năm 2009, đơn vị đã tiến hành khắc phục sửa chữa.
Ghi nhận tình trạng hư hỏng mặt cầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng thời điểm này nếu không sửa chữa được cầu Thăng Long thì sau này sẽ rất khó. Khi tuyến đường vành đai 3 hoàn thành đi vào hoạt động, mật độ phương tiện lưu thông qua cầu là rất lớn.
Kinh phí cho việc đắp vá, sửa chữa những năm qua hết hàng tỷ đồng, nhưng hư hỏng mặt cầu vẫn không được xử lý triệt để. Ảnh: Ngọc Tân. |
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đưa ra 3 phương án khắc phục hư hỏng mặt cầu Thăng Long.
Phương án 1 là sửa chữa tổng thể cả bản thép mặt cầu, tăng độ cứng, tăng khả năng chịu lực cho lớp bản thép trực hướng. Khắc phục, tăng cường dính bám, chống trượt lớp bê tông nhựa trên mặt thép theo hướng khôi phục lại nguyên lý thiết kế của Liên Xô trước đây.
Phương án 2, chỉ thí điểm sửa chữa lớp bê tông nhựa mặt cầu như phương án 1, không sửa chữa kết cấu bản thép.
Phương án 3 là cho hàn lưới thép trên bản thép mặt cầu, sau đó làm lớp dính bám như phương án 1 và thảm bê tông nhựa (sử dụng loại bê tông nhựa gia cường cốt sợi thủy tinh để cải thiện khả năng chịu kéo của bê tông nhựa).
Tuy nhiên, từng phương án đều có những nhược điểm. Để có giải pháp triệt để, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã liên hệ với chuyên gia Nga trước đây từng tham gia xây cầu. Tháng 9/2018, vị chuyên gia này đã sang Việt Nam khảo sát trực tiếp và đang lập phương án.
Loay hoay sửa chữa suốt 10 năm
Khánh thành từ năm 1984, cầu Thăng Long bền bỉ hoạt động suốt hơn 30 năm, là cửa ngõ chính kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm Hà Nội (trước khi có cầu Nhật Tân). Đến năm 2009, cầu mới trải qua đợt đại tu đầu tiên do mặt cầu cũ có nhiều điểm hư hỏng.
Tuy nhiên sau khi đại tu với chi phí gần 100 tỷ đồng, lớp bê tông nhựa mới thảm lại nhanh chóng hư hỏng. Mặt cầu Thăng Long hiện nay vẫn bị trồi lún và nứt xẻ rãnh gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Cây cầu không chỉ là công trình giao thông huyết mạch, nó còn là công trình thế kỷ ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, mang ý nghĩa biểu tượng cho diện mạo thủ đô suốt một thời gian dài. Ảnh: N.T. |
Sau nhiều năm nằm dưới sự quản lý, duy tu của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, từ năm 2009, cầu Thăng Long được Bộ GTVT lên phương án bàn giao cho thành phố Hà Nội. Tuy nhiên chính quyền Hà Nội nhiều lần từ chối nhận bàn giao, hoặc vừa nhận đã phải trả lại do tình trạng hư hỏng chưa được khắc phục triệt để.
Trao đổi với Zing.vn, giáo sư Bùi Xuân Cậy, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực cầu đường, nhận định cầu Thăng Long vẫn là nút giao thông trọng điểm của thủ đô ngay cả khi đã có cầu Nhật Tân.
Sự gia tăng về trọng tải, lưu lượng phương tiện cùng với sự "già nua", xuống cấp của hệ thống bản thép mặt cầu là nguyên nhân chính khiến công trình xuống cấp nhanh chóng. Kết cấu bê tông nhựa trên bề mặt không bám dính với bản thép bên dưới khiến mặt đường thường xuyên bị xô dồn, nứt rạn.
Sắp tới, khi đường Phạm Văn Đồng (đoạn dưới thấp và trên cao) hoàn thành, cầu Thăng Long sẽ tiếp tục là mắt xích giao thông quan trọng của tuyến đường vành đai 3. Hư hỏng tại cầu nếu không được khắc phục kịp thời sẽ trở thành "điểm nghẽn" trên tuyến đường.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết tiến độ GPMB dự án mở rộng vành đai 3 (từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long) đã hoàn tất 100%. Nhờ có mặt bằng sạch nên đơn vị thi công tự tin khẳng định sẽ hoàn thành toàn bộ nút giao Nguyễn Hoàng Tôn trước 10/10, hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2019.
Cầu Thăng Long khởi công năm 1974, khánh thành cuối năm 1985. Đây là cầu bắc qua sông Hồng có tuổi thọ lớn thứ hai tại Hà Nội (chỉ sau cầu Long Biên).
Thời kỳ đầu, Trung Quốc giúp xây dựng nhưng được khoảng 20% khối lượng công trình thì ngừng lại. Đến cuối năm 1978, Liên Xô đã giúp xây dựng tiếp cho đến khi hoàn thành.
Đây là cây cầu hiếm hoi tại Việt Nam có kết cấu hai tầng. Tầng trên là đường ôtô rộng 15 m, tầng dưới có đường sắt ở giữa và 2 làn đường 3,5 m dành cho xe thô sơ.
Chiều dài toàn cầu tính theo đường sắt (tầng dưới) là 5.503 m, tính theo đường ôtô (tầng trên) là 3.115 m, tính theo đường xe thô sơ là 2.658 m. Phần cầu chính (vượt sông) gồm 15 nhịp dầm thép, khẩu độ mỗi nhịp 112 m.