Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ vừa cho biết đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phương án sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thăng Long. Đơn vị này đã nghiên cứu nhiều phương án sửa chữa trên thế giới và lựa chọn công nghệ của Mỹ để khắc phục hư hỏng.
Cụ thể, đơn vị thi công sẽ hàn các bu lông treo trên mặt sắt và đổ khoảng 6-7 cm bê tông sợi lên bề mặt. Công nghệ này đã thực hiện ở khoảng 10 cây cầu ở Trung Quốc và lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.
Khi tuyến đường vành đai 3 trên cao hoàn thành và đi vào hoạt động, mật độ phương tiện lưu thông qua cầu Thăng Long sẽ rất lớn. Ảnh: Ngọc Tân. |
Với tổng mức đầu tư khoảng 180-200 tỷ đồng, dự án sửa chữa mặt cầu sẽ được đấu thầu công khai và thi công trong năm 2020. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho rằng các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể trúng thầu sau khi nhập một số thiết bị đặc thù.
Cách đây hơn 3 tháng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp đi bộ dọc cầu Thăng Long để kiểm tra, đánh giá mức độ hư hỏng mặt cầu. Tư lệnh ngành giao thông cho rằng nếu không sớm sửa chữa được cầu Thăng Long thì sau này sẽ rất khó. Khi tuyến đường vành đai 3 hoàn thành đi vào hoạt động, mật độ phương tiện lưu thông qua cầu là rất lớn.
Trước đó, mặt cầu Thăng Long đã nhiều lần sửa chữa, bảo dưỡng nhưng vẫn bị trồi lún và nứt xẻ rãnh gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Mặt cầu Thăng Long thường xuống cấp nhanh chóng sau mỗi đợt sửa chữa. Ảnh: Tiền Phong. |
Năm 2009, cầu trải qua đợt đại tu đầu tiên do mặt cầu cũ có nhiều điểm hư hỏng. Tuy nhiên, sau khi đại tu với chi phí gần 100 tỷ đồng, lớp bê tông nhựa mới trải lại nhanh chóng bị trượt xô, hư hỏng.
Giai đoạn 2012-2013, lớp bê tông nhựa trên mặt cầu tiếp tục được sửa chữa bằng cách dải các lớp vật liệu khác nhưng cũng nhanh chóng hư hỏng.
Trong hoàn cảnh bế tắc, Vụ khoa học và công nghệ thuộc Bộ GTVT từng liên hệ với một chuyên gia Liên Xô xây dựng cầu Thăng Long trước đây để nhờ tư vấn, sửa chữa cầu.
Theo Thạc sĩ Vũ Văn Thành, giảng viên bộ môn Sức bền Vật liệu (Đại học GTVT Hà Nội), trước đây khi xây cầu, chuyên gia Liên Xô làm lớp chống thấm và dính bám bằng keo EPOXY phun lên bản thép mặt cầu, sau đó cài đá dăm tạo nhám trước khi dải bê tông nhựa. Công nghệ này giúp chống han rỉ bản thép và tạo độ bám dính cao với lớp bê tông nhựa.
Cầu Thăng Long khởi công năm 1974, khánh thành cuối năm 1985. Đây là cầu bắc qua sông Hồng có tuổi thọ lớn thứ hai tại Hà Nội (chỉ sau cầu Long Biên).
Thời kỳ đầu, Trung Quốc giúp xây dựng nhưng được khoảng 20% khối lượng công trình thì ngừng lại. Đến cuối năm 1978, Liên Xô đã giúp xây dựng tiếp cho đến khi hoàn thành.
Đây là cây cầu hiếm hoi tại Việt Nam có kết cấu hai tầng. Tầng trên là đường ôtô rộng 15 m, tầng dưới có đường sắt ở giữa và 2 làn đường 3,5 m dành cho xe thô sơ.
Chiều dài toàn cầu tính theo đường sắt (tầng dưới) là 5.503 m, tính theo đường ôtô (tầng trên) là 3.115 m, tính theo đường xe thô sơ là 2.658 m. Phần cầu chính (vượt sông) gồm 15 nhịp dầm thép, khẩu độ mỗi nhịp 112 m.