Văn phòng Bộ GTVT vừa trình lên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bức thư của Tập đoàn Versaflex (Mỹ) với nội dung đề xuất sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) bằng hệ thống lớp phủ phòng nước chất lượng cao.
Trong thư, ông David Lite, Tổng giám đốc Tập đoàn Versaflex, cho biết doanh nghiệp có 100% vốn chủ sở hữu của người Mỹ, trụ sở đặt tại thành phố Kansas, bang Kansas. Có gần 20 năm thi công đường cao tốc và đường sắt.
Việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long phức tạp do kết cấu thép bên dưới đã xuống cấp. Ảnh: Ngọc Tân. |
Với hư hỏng mặt cầu Thăng Long, đại diện doanh nghiệp đề xuất phương án sửa chữa bằng lớp phủ phòng nước được sử dụng phổ biến tại Mỹ để duy tu, bảo vệ lâu dài các công trình cầu bản mặt thép.
"Lớp phủ phòng nước BDM sẽ bảo vệ các kết cấu bản mặt cầu (bê tông, thép), tăng cường dính bám với lớp bê tông nhựa phía trên, có thể thi công trên các bề mặt không đồng nhất,… Tuổi thọ dự kiến của lớp phủ từ 50 năm trở lên", đại diện Tập đoàn Versaflex chia sẻ và cho biết các phương tiện giao thông vẫn có thể lưu thông trong quá trình sửa chữa.
Hiện Bộ trưởng GTVT chưa phản hồi đề xuất của doanh nghiệp này.
Trước đó, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng thông báo cầu Thăng Long sẽ được sửa chữa theo công nghệ Mỹ với tổng mức đầu tư khoảng 180-200 tỷ đồng, thi công trong năm 2020.
Tuy nhiên đơn vị quản lý cây cầu chưa xác nhận nhà thầu nào sẽ tham gia thi công. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho rằng các doanh nghiệp trong nước cũng có thể trúng thầu sau khi nhập một số thiết bị đặc thù.
Cầu Thăng Long khởi công năm 1974, khánh thành cuối năm 1985. Đây là cầu bắc qua sông Hồng có tuổi thọ lớn thứ hai tại Hà Nội (chỉ sau cầu Long Biên).
Chiều dài toàn cầu tính theo đường sắt (tầng dưới) là 5.503 m, tính theo đường ôtô (tầng trên) là 3.115 m, tính theo đường xe thô sơ là 2.658 m. Phần cầu chính (vượt sông) gồm 15 nhịp dầm thép, khẩu độ mỗi nhịp 112 m.
Năm 2009, cầu trải qua đợt đại tu đầu tiên do mặt cầu cũ có nhiều điểm hư hỏng. Tuy nhiên, sau khi đại tu với chi phí gần 100 tỷ đồng, lớp bê tông nhựa mới trải lại nhanh chóng bị trượt xô, hư hỏng.
Giai đoạn 2012-2013, lớp bê tông nhựa trên mặt cầu tiếp tục được sửa chữa bằng cách dải các lớp vật liệu khác nhưng cũng nhanh chóng hư hỏng.
Trong hoàn cảnh bế tắc, Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ GTVT) từng liên hệ với một chuyên gia Liên Xô xây dựng cầu Thăng Long trước đây để nhờ tư vấn, sửa chữa cầu.