Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết vừa mở hai cửa xả nước từ hồ Tây trên phố Trích Sài để điều tiết lượng nước, chống ngập cho các khu vực xung quanh hồ. Mức xả dự kiến là hơn 1 triệu m3 nước, thời gian mở cửa xả trong hai ngày 9 và 10/7.
Điều hòa, thoát nước, chống ngập mùa mưa
Trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Ngọc Uyên, Phó trưởng phòng Thông tin đối ngoại, Công ty thoát nước Hà Nội, cho biết hoạt động mở cửa xả lấy nước từ hồ Tây cấp cho Tô Lịch là hoạt động theo quy trình điều hòa, thoát nước mùa mưa của TP.
"Mực nước hồ Tây cần được duy trì trong khoảng trên dưới 5,7 m, trong khi mực nước hồ Tây trước khi mở cửa xả là hơn 6 m. Vì vậy, chúng tôi cho mở cửa xả để đảm bảo khả năng điều hòa, thoát nước mưa, chống ngập ở các khu vực lân cận hồ Tây", ông Uyên cho biết.
Về việc sông Tô Lịch được bổ cập nước khiến mức độ ô nhiễm giảm đi đáng kể, ông Uyên cho rằng đây là hiệu ứng kép của hoạt động này. Tác động của động lực dòng chảy từ phía các cổng xả đưa nước bổ sung, pha loãng chất bẩn dưới đáy sông.
Nước sông Tô Lịch chuyển màu xanh biếc, nước chảy nhanh, mạnh ở phía gần cổng xả. Ảnh: Việt Linh. |
Trao đổi với Zing.vn, GS.TSKH Phạm Hoàng Hải, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Địa lý Việt Nam, cho rằng đây là hiệu ứng tức thời khi Tô Lịch được hưởng lợi từ kế hoạch điều phối nước hồ Tây. Nhưng việc này sẽ chỉ có hiệu quả trong vài ngày.
"Từ việc sông Tô Lịch sạch và xanh hơn cho thấy việc thiếu nguồn cấp nước khiến con sông ô nhiễm đến thế nào. Quan trọng là nguồn cấp nước được bao nhiêu, có cấp liên tục được không, nếu lượng cấp ít thì vài ngày là ô nhiễm trở lại", ông Hải cho biết.
Đại diện công ty Thoát nước Hà Nội cũng thông tin thêm mực nước các hồ ở nội thành Hà Nội đã lên mức cao do nhiều đợt mưa vừa qua, đỉnh điểm là sau bão số 2. Dự kiến thời gian tới, Hà Nội đón nhận thêm nhiều trận mưa lớn, nên phải hạ mực nước các hồ xuống để chuẩn bị ứng phó.
Nước sông Tô Lịch xanh biếc hiếm thấy. Ảnh: Sơn Hà. |
Có đẩy chất bẩn ra các sông liên thông?
Về 2 dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy-3C và máy sục khí Bio-Nano của Nhật Bản, vị đại diện công ty thực hiện dự án cho rằng hoạt động xả nước này không làm ảnh hưởng đến quá trình thí điểm.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về việc liệu sông Tô Lịch được cấp nước, dòng chảy có đẩy chất bẩn đi ra các con sông liên thông hay không, GS Hoàng Hải cho rằng việc đó là có, nhưng không đáng kể.
"Dù có hay không có dòng chảy thì các con sông vẫn thông với nhau, Tô Lịch ô nhiễm thì tất nhiên các con sông khác cũng bị ảnh hưởng. Có dòng nước thì sẽ giúp pha loãng chất bẩn nhưng cũng khiến chất bẩn bị đẩy đi xa hơn", vị chuyên gia phân tích.
Năm 2018, Công ty thoát nước Hà Nội từng cho xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch để tạo dòng chảy và làm sạch nước sông. Tuy nhiên, kết quả chỉ được một thời gian ngắn do lượng nước ít, không liên tục.
Tháng 4/2019, Công ty thoát nước Hà Nội đã đề xuất UBND TP lắp đặt một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương với công suất 156.000 m3/ngày-đêm để dẫn nước sông Hồng vào hồ Tây, từ đó theo ra Tô Lịch. Theo đại diện của công ty, việc cấp nước này sẽ giúp thau rửa nguồn ô nhiễm của Tô Lịch.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giải pháp này chỉ là "hớt ngọn", không bền vững. Quan trọng nhất là thu gom được nước thải chảy vào sông thì Hà Nội vẫn đang bất lực.