Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến được biết đến như một tác giả viết về Hà Nội nhiều nhất - một nhà "Hà Nội học". Ngòi bút của ông đã đem đến cho người đọc những trải nghiệm, những hình ảnh của một Hà Nội xưa cũ.
Trò chuyện với Zing.vn, ông chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ về dòng sông cổ này: "Tôi thấy buồn, tiếc nuối khi dòng sông chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý giá lại đang bị đối xử bất công. Một con sông từng đi vào thi ca, là niềm tự hào của người thủ đô mà giờ đây ai đi ngang qua cũng lắc đầu, lè lưỡi vì hôi thối".
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, người chuyên viết về Hà Nội. Ảnh: Sơn Hà. |
Nguyên khí kinh thành Thăng Long
Đào sâu, tìm hiểu về con sông, ông cho rằng Tô Lịch là một dòng sông cổ, đóng vai trò quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến của Thăng Long. Con sông không chỉ nuôi dưỡng nhiều thế hệ con người, còn là nguyên khí, là long mạch của kinh thành Việt Nam lúc đó.
"Đời sống người dân 2 bên bờ Tô Lịch lúc đó vừa trù phú về vật chất, vừa giàu có về tinh thần"
"Long mạch là thứ linh thiêng của mỗi vùng đất, nhất là đối với nơi được chọn làm kinh đô như Thăng Long. Long mạch phải là một con sông dài, nước chảy liên tục phải được bảo vệ, dòng chảy được thông suốt thì chuyện triều chính mới suôn sẻ, thiên hạ thái bình, ấm no", ông nói.
Con sông khi đó là hệ thống giao thông đường thủy quan trọng, người dân có thể đi từ trong thành ra ngoài, hay thậm chí ra các tỉnh trên sông Tô. Xung quanh con sông tấp nập hoạt động mua bán, trao đổi, xuôi về phía nam thành Thăng Long có nhiều chợ nổi tiếng như chợ Cầu Đông, chợ Bưởi.
Theo các tìm hiểu của ông, sông Tô khi đó là một thắng cảnh được vua, quan thường nán lại chơi: "Lúc trước, từ thành Thăng Long đi về phía Ngã tư Sở bây giờ trên sông có 7 cây cầu. Mỗi cây cầu đều là điểm dừng chân của vua, quần thần, để vãn cảnh, là lối vào các đền, chùa bên bờ sông".
Ông nhớ lại cách đây chỉ vài chục năm, từ những năm cuối thế kỷ 20, quang cảnh của con sông vẫn yên bình, dòng nước trong xanh. Đi dọc bờ sông, người ta dễ dàng nhìn thấy người làm giấy ngâm cây dó, người làm nghề dệt thì chuội tơ.
Các lễ hội như lễ hội đèn Quảng Chiếu, lễ hội đền Đông Quan diễn ra 2 bên bờ sông. Rồi các làng nghề như làng làm giấy Hồ Khẩu, Yên Thái, làng dệt Bái Ân tấp nập sớm chiều 2 bên bờ sông Tô Lịch. Theo ông, cuộc sống của người dân 2 bên bờ lúc đó trù phú về cả vật chất lẫn tinh thần.
Trở thành nơi thoát nước thải đô thị
Vào khoảng cuối thế kỷ 19, theo một số tài liệu ghi chép, sông Tô Lịch bị lấp một phần đoạn từ Hàng Buồm bây giờ ra đến phố Hàng Khoai, để xây chợ Đồng Xuân. Còn đoạn từ chợ Đồng Xuân chạy men theo phố Phan Đình Phùng ra hồ Tây thì bị lấp đi làm cống tiêu nước thải.
Nước sông Tô Lịch thường xuyên đen thẫm, hôi thối từ nhiều năm nay do bùn, chất thải sinh hoạt tích tụ dưới lòng sông. Ảnh: Việt Linh. |
Từ lúc đó, sông Tô Lịch đoạn trong nội thành thì trở thành nơi thoát nước thải của đô thị Hà Nội. Đến đầu thế kỷ 20, với sự xuất hiện của một số nhà máy xí nghiệp như xí nghiệp thuộc da ở Thụy Khê, rồi xí nghiệp pháo, xí nghiệp bia nước sông bắt đầu ô nhiễm.
"Tình trạng này kéo dài rồi bắt đầu trầm trọng hơn sau 1954. Nhiều nhà máy khác mọc lên, nước thải đổ thẳng ra sông Tô Lịch như nhà máy Cơ khí Hà Nội, nhà máy Thuốc lá Thăng Long, nhà máy Cao su Sao Vàng... rồi lượng dân cư tăng nhanh khiến nước thải sinh hoạt cũng gấp 3-4 lần so với trước", ông Tiến nhớ lại.
Chưa kể lúc đó người dân còn lấn chiếm lòng sông để xây nhà cửa, trồng rau, hoa màu. Lúc này, dòng chảy bắt đầu bị nghẽn, sông Tô Lịch không còn nguồn cung cấp nước, dẫn đến mất khả năng tự làm sạch, tình trạng ô nhiễm tích tụ cho đến nay, rất nặng nề, ông nhớ lại.
"Tô Lịch giờ chỉ còn là cái tên"
Theo ông, sông Tô Lịch không chỉ là chỗ dựa cho người dân Hà Nội về mặt vật chất mà còn là nguồn nuôi dưỡng về tâm thức, làm cho người ta luôn nhớ về cội nguồn, tổ tiên. Ở Hà Nội không có nhiều con sông chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa như sông Tô.
"Cái mất về vật chất là cái mất thiệt thòi, cái mất về tinh thần là cái mất vĩnh viễn..."
"Cái buồn ở đây là cách thành phố, người dân đối xử với một con sông huyền thoại, một con sông lịch sử. Nói đến sông Tô Lịch chúng ta phải nói đến giá trị văn hóa, lịch sử nhưng bây giờ người ta chỉ nói đến mất vệ sinh, đến hôi thối. Thực sự đây là một điều bất công với con sông này", nhà văn chia sẻ.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết cái tên Hà Nội nghĩa là "thành phố trong sông", không chỉ có sông Hồng, Hà Nội còn có Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Nhuệ. Tuy nhiên, giống như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu cũng đang lâm vào cảnh ô nhiễm, chết dần do không có dòng chảy.
"Khi đi trên con sông này, tôi nhìn ngắm mọi thứ như hiện về trước mắt. Thật đáng tiếc khi mà con sông lịch sử, con sông văn hóa mà đang chết dần, không có ai dang tay cứu vãn. Biến nó thành con sông như ngày xưa, để cho phong cảnh Hà Nội hữu tình hơn", nhà văn nêu quan điểm.
Không những bị biến thành dòng sông chết, việc khiến nhiều người Hà Nội và bản thân nhà văn Ngọc Tiến đau đớn là thấy dòng sông cổ bị biến thành nơi xả rác, nước thải của thành phố.
"Tôi không hiểu tại sao thành phố Hà Nội giờ đây kinh tế đã rất phát triển, khoa học, kỹ thuật, phương tiện tiên tiến mà vẫn bó tay với con sông này. Phải chăng Hà Nội đang chấp nhận sự thật Tô Lịch đã là một con sông chết và buông xuôi, để mặc mãi như vậy?", ông Tiến bức xúc.