Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cần bao nhiêu máy sục khí nano để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch?

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết theo ước tính sơ bộ của chuyên gia Nhật Bản, cần 50-100 máy sục khí nano nếu áp dụng công nghệ này trên toàn bộ sông Tô Lịch.

Ngày 17/6, chuyên gia Nhật Bản và đại diện Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) đã tổ chức buổi trình diễn công nghệ xử lý bùn bằng vật liệu đá núi lửa Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các đơn vị đánh giá độc lập thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường cũng lấy mẫu nước để kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả.

lam sach song To Lich anh 1
Đại diện JVE cho biết vật liệu đá núi lửa không cần sử dụng điện năng để làm sạch bùn. Ảnh: Xuân Phương.

Cần từ 50 đến 100 máy sục khí nano

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện JVE, cho biết tùy thuộc vào công suất của các máy sục khí nano mà diện tích đặt mỗi máy, số máy có thể thay đổi. 

"Hiện máy sục khí nano có 3 loại công suất chính là 3,5 kW, loại đang được thí điểm, loại 5,5 kW và 7,5 kW. Dù chưa kết thúc quá trình thí điểm, chúng tôi đã có những tính toán sợ bộ. Để áp dụng trên toàn đoạn sông, cần khoảng 50 đến 100 máy nano công suất 3,5 kW", đại diện JVE cho biết.

lam sach song To Lich anh 2
Khu vực trình diễn khả năng xử lý bùn của vật liệu đá núi lửa Nhật Bản tại sông Tô Lịch. Ảnh: Xuân Phương.

Về độ bền và chi phí trong quá trình sử dụng, vận hành, ông Tuấn Anh cho biết công nghệ Nano-Bio đã áp dụng thành công ở kênh Sakishima, sông Onga (Nhật Bản) từ năm 1994 và một số nơi khác ở Ấn Độ, Trung Quốc. Vật liệu đá núi lửa có thể sử dụng trong khoảng thời gian tối thiểu 25 năm mà không cần thay mới.

Hiện, đoạn sông Tô Lịch dài khoảng 400 m đang được đặt 4 máy sục khí nano, tập trung ở gần cống xả nước thải.

Về chi phí lắp đặt mỗi máy và kinh phí dự kiến cho toàn bộ dự án nếu thí điểm thành công, đại diện JVE chưa đưa ra câu trả lời. Đơn vị này cho biết sau khi kết thúc thí điểm sẽ báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng rồi mới có thể đưa ra con số.

Khi được hỏi về việc lắp máy xử lý dưới lòng sông có vô nghĩa không khi vẫn để nước thải chảy vào, ông Tuấn Anh thừa nhận các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn phải tính chuyện tách nước thải chưa xử lý khỏi nước sông, nước mưa. Tuy nhiên, không phải thành phố nào cũng đủ ngân sách để xây dựng hệ thống cống bao ở 2 bên bờ sông. Ngoài ra, thu gom hết nước thải chưa chắc đã hết ô nhiễm.

"Công nghệ này có thể được sử dụng trên các dòng sông khi chúng ta chưa đủ điều kiện thu gom được nước thải. Như sông Tích 110 km, sông Đáy 240 km, thì việc xây dựng cống bao ở những con sông này rất tốn kém và khó khăn", ông Tuấn Anh nói.

Có kết quả kiểm nghiệm sau 10 ngày

Sáng cùng ngày, Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên Nước lấy mẫu nước để đánh giá độc lập hiệu quả của quá trình thí điểm.

lam sach song To Lich anh 3
Các điều tra viên của đơn vị đánh giá độc lập lấy mẫu nước để kiểm nghiệm sáng 17/6. Ảnh: Xuân Phương.

Ông Nguyễn Thành Công, điều tra viên của trung tâm, cho biết qua đánh giá tổng quan và quan sát cho thấy mùi nước đã đỡ hôi. Nhưng có thể một phần do thời tiết mát, không nắng nóng gay gắt như thời gian trước.

"Chúng tôi vẫn đo một số chỉ số hiện trường, như độ PH, PDS, độ đục, DO. Sau quá trình xử lý, nồng độ DO đã cải thiện nghĩa là oxy hòa tan đã nhiều hơn so với trước xử lý. Độ đục cũng giảm, nước trong hơn và cặn lơ lửng giảm so với trước xử lý", ông Công nói.

Ông cho biết thêm 7 đến 10 ngày nữa, đơn vị sẽ có kết quả chất lượng nước sau xử lý, đến lúc đó mới có các chỉ số về chất lượng nước cụ thể, mức độ ô nhiễm và vi sinh...

lam sach song To Lich anh 4
Các tấm vật liệu Bioreactor được đặt dưới lòng sông để xử lý bùn. Ảnh: Xuân Phương.

Cùng với việc lấy mẫu nước để đánh giá, công ty JVE tổ chức buổi trình diễn công nghệ xử lý bùn bằng đá núi lửa Nhật Bản. Theo đó, công ty cho quây 70 m2 trong lòng sông Tô Lịch, đặt 4 tấm vật liệu đá núi lửa để chứng minh khả năng tiêu hủy bùn.

"Vì khả năng phân hủy bùn ở dưới tầng đáy chưa nhìn thấy được, chúng tôi quây một phần trong lòng sông để trình diễn khả năng của vật liệu Bioreator. Sau một tháng, chúng ta có thể thấy kết quả rõ rệt", ông Tuấn Anh cho biết.

Chuyên gia Nhật ngửi mùi nước sông Tô Lịch sau 20 ngày thí điểm xử lý Ngày 5/6, chuyên gia môi trường Kubo Jun xuống sông Tô Lịch lấy mẫu nước và bùn để kiểm tra sau 20 ngày thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản.

Chuyên gia Nhật công bố kết quả làm sạch sông Tô Lịch

Theo kết quả chuyên gia môi trường công bố, lượng bùn và mùi hôi ở sông Tô Lịch (Hà Nội) đã giảm đáng kể sau 3 tuần áp dụng công nghệ Bio-Nano.


Xuân Phương

Bạn có thể quan tâm