Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước thiêng và 5 biểu tượng vương quyền trong lễ đăng cơ của vua Thái

Nhà vua Thái Lan sắp bước vào lễ đăng cơ kéo dài ba ngày và nước thiêng đóng vai trò chính trong các nghi thức phong thần.

Quốc vương Thái Lan quan trọng như thế nào? Lễ đăng quang của Quốc vương Thái Lan Maha Vajirusongkorn sẽ diễn ra vào ngày 4/5, sự kiện dự kiến kéo dài ba ngày.

Lễ nghi chính thức, pha trộn giữa đạo Bà La Môn và đạo Phật, bắt đầu vào ngày 4/5 tại thủ đô Bangkok, kéo dài đến ngày 6/5.

Vua Maha Vajiralongkorn, 66 tuổi, thừa kế ngai vàng sau khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej, cha của ông và là vị vua rất được nhân dân yêu mến, qua đời vào năm 2016. Song theo truyền thống hoàng gia Thái Lan, chỉ sau khi một vị vua được phong thần, ông mới trở thành "Devaraja", hay "Thần vương", và là người nắm giữ Phật giáo.

le dang co vua thai anh 1
9 vị vua của triều đại Chakri tại Thái Lan. Vua Vajiralongkorn là vị vua thứ 10 của vương triều. Ảnh: Facebook/Thailand PRD.

Đây là lễ đăng cơ đầu tiên trong ký ức của hầu hết người dân Thái Lan và lượng người tham dự được dự đoán sẽ rất đông.

"Đây là dịp quan trọng mà người Thái có thể tự trấn an mình rằng chúng ta có lịch sử lâu đời, văn hóa phong phú và mối quan hệ chặt chẽ giữa nền quân chủ và nhân dân", giáo sư Tongthong Chandransu ở Đại học Chulalongkorn, nhà nghiên cứu về văn hóa Thái Lan, nói.

Nước thiêng

Trong lịch sử, xã hội Thái Lan hình thành xung quanh các con sông, nơi cung cấp các nhu yếu phẩm như gạo và cá. Vì vậy, nhiều nghi lễ và tập tục của người Thái đều xoay quanh nước.

Trong nhiều tuần trước khi lễ đăng cơ, người ta đã thu thập nước từ hơn 100 con sông trên cả nước từ 11h51 đến 12h38 hàng ngày, khoảng thời gian được coi là tốt lành theo chiêm tinh học Thái Lan.

Sau đó, nước được dùng để ban phước trong các nghi lễ Phật giáo tại các ngôi chùa lớn trước khi được kết hợp trong nghi thức phong thần tại Wat Suthat - một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Bangkok.

le dang co vua thai anh 2
Nước thiêng được cho vào các bình được trang trí công phu trước lễ đăng cơ. Ảnh: Reuters.

Nước phong thần được sử dụng trong hai nghi thức tại Đại Hoàng cung. Đầu tiên là nghi thức tắm "tẩy trần" cho nhà vua, trong đó nước được đổ lên người ông khi ông mặc áo dài màu trắng.

Tiếp theo là nghi thức xức dầu cho nhà vua. Nhà vua chuyển sang mặc lễ phục và ngồi trên một ngai vàng hình bát giác làm bằng gỗ cây vả.

Tám người tưới nước lên tay ông. Họ bao gồm Công chúa Maha Chakri Sirindhorn - em gái của nhà vua, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng như các giáo sĩ Bà La Môn và triều đình.

Việc sử dụng nước xuất phát từ một truyền thống của đạo Bà La Môn có từ nhiều thế kỷ trước, theo các chuyên gia.

Vàng và kim cương

Nhà vua sau đó đi đến Ngai Bhadrapitha và ngồi dưới chiếc ô chín tầng, nơi ông tiếp nhận các món đồ biểu tượng cho vương quyền.

le dang co vua thai anh 3
Đồ họa: BBC.

Vương miện là vật tương đối hiện đại so với truyền thống hoàng gia Thái Lan, gắn liền với các vị vua nước này do ảnh hưởng từ các vương triều ở châu Âu.

Được tạo ra dưới triều đại của vua Rama I vào năm 1782, vương miện được làm bằng vàng và trang trí bằng kim cương. Nó nặng 7,3kg, tượng trưng cho sức nặng của những trách nhiệm mà nhà vua phải gánh vác, theo giáo sư Tongthong.

Thanh gươm đại diện cho trí tuệ trong việc cai trị đất nước. Theo truyền thuyết, nó được tìm thấy dưới đáy hồ Tonle Sap ở Siem Reap, Campuchia và được tặng cho vua Rama I làm quà. Người ta nói rằng khi nó được đưa đến Bangkok, bảy tia sét đã giáng xuống thành phố cùng một lúc.

Sau các nghi lễ lên ngôi, vua Vajiralongkorn - hiệu Rama X, tức vị vua thứ 10 của triều đại Chakri - sẽ ban hành sắc lệnh hoàng gia đầu tiên của mình.

Cha ông, cố quốc vương Bhumibol, từng nói trong lễ đăng cơ năm 1950: "Tôi sẽ trị vì với chính nghĩa, vì lợi ích và hạnh phúc của người dân Thái Lan".

Quả bầu và hạt vừng

Sau các nghi thức đăng cơ, nhà vua tiến vào nơi tổ chức nghi lễ tại Đại Hoàng cung - được gọi một cách đơn giản là bữa tiệc tân gia.

Trong một nghi lễ riêng tại Điện Chakrapat Biman, những người phụ nữ trong hoàng tộc sẽ đi cùng nhà vua.

le dang co vua thai anh 4
Nhà vua Vajiralongkorn và hoàng hậu Suthida tại lễ dâng hoa cho vua Rama V hôm 2/5. Ảnh: Khaosod.

Họ mang theo một con mèo và một con gà trống lông trắng, một hòn đá mài, một khay bầu xanh, một khay gạo, một khay đậu và một khay hạt vừng. Các loại ngũ cốc đại diện cho sự trù phú, sinh sôi của nông nghiệp Thái Lan.

Ý nghĩa của con mèo có nhiều cách giải thích. Một số người tin rằng chủ sở hữu của một ngôi nhà mới nên có một con mèo để đuổi chuột. Những người khác tin rằng phong tục này xuất phát từ niềm tin rằng mèo xua đuổi ma quỷ, theo báo Bangkok Post.

Nhà vua cũng được trao một chiếc chìa khóa vàng để biểu thị quyền sở hữu cung điện của mình.

Trong những ngày sau các nghi lễ chính, vị vua mới được xức dầu sẽ tham gia đoàn rước quanh Bangkok và xuất hiện trước công chúng trên ban công để người dân Thái có cơ hội bày tỏ lòng thành kính.

Nữ vệ sĩ '6 năm lên cấp tướng bốn sao' trở thành Hoàng hậu Thái Lan Hoàng hậu mới của Thái Lan, tướng Suthida Vajiralongkorn Na Ayudhya từng phục vụ trong đơn vị đặc biệt bảo vệ nhà vua từ khi ông vẫn còn là thái tử.

Voi trắng linh thiêng - Lễ vật biểu trưng quyền uy cho tân vương Thái

Plai Ekachai dù không phải là voi bạch tạng nhưng vẫn được xem là "bạch tượng" sau thẩm định của các chuyên gia Thái Lan, biểu trưng cho sự quyền uy của tân vương "xứ Chùa Vàng".

Vua Thái chiêm bái chùa Phật Ngọc trước lễ đăng quang ngày mai

Vua Vajiralongkorn sẽ tới chiêm bái chùa Phật Ngọc và thắp nến cầu phúc trong các nghi thức cuối cùng trước lễ đăng quang kéo dài 3 ngày.

Đông Phong

Theo BBC

Bạn có thể quan tâm