Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: IBTimes |
"Hành động chiến tranh"
Ông Hollande mô tả các vụ tấn công, khiến 128 người chết, là "hành động chiến tranh". Người đứng đầu nước Pháp cho biết, cuộc tấn công liên hoàn “được phối hợp, lên kế hoạch và tổ chức từ bên ngoài” với “sự hỗ trợ từ trong lòng nước Pháp”.
"Tôi tỏ lòng tôn kính đến các lực lượng đã chiến đấu chống những tên khủng bố ngày hôm qua", ông nói. "Mọi người đã cố gắng hết sức và sẽ tiếp tục nỗ lực trong những ngày tới”. Ông Hollande gọi cuộc tấn công là hành động “hèn nhát”, đồng thời khẳng định Pháp sẽ thực hiện mọi biện pháp để chống lại "các mối đe dọa khủng bố".
“Trong lúc khó khăn và bấp bênh nhất, tôi kêu gọi người dân đoàn kết và can đảm. Ngay cả khi bị tổn thương, nước Pháp vẫn đứng lên”, ông Hollande nói. Pháp sẽ tổ chức quốc tang trong 3 ngày và đặt an ninh trong tình trạng cao nhất.
Ông Holland nói thêm rằng, Pháp "sẽ đối xử tàn nhẫn trước sự man rợ của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng". “Pháp sẽ đáp trả bằng mọi cách ở bất cứ nơi nào, dù trong hay ngoài quốc gia”.
Nicolas Sarkozy, cựu tổng thống Pháp, cũng phát biểu với giới truyền thông: “Chúng ta cần phải hiểu rõ các cuộc tấn công như vậy có thể xảy ra bằng cách nào và hậu quả của chúng. Chính sách đối ngoại của chúng ta phản ánh thực tế là nước Pháp đang ở trong một cuộc chiến. Chính sách an ninh nội địa của chúng ta tốt, nhưng chúng ta cần phải có khả năng thích ứng để đảm bảo sự an toàn cho nước Pháp”.
Ông Sarkozy cho biết, đảng của ông sẽ tăng cường hỗ trợ các biện pháp an ninh để bảo vệ cuộc sống của người dân. “Đất nước chúng ta phải đồng lòng. Lịch sử đã trải qua nhiều khó khăn, chúng ta luôn biết cách vượt qua và sẽ vượt qua được khó khăn này bằng sự điềm tĩnh, quyết tâm và sức mạnh”, cựu tổng thống Pháp nói.
"IS chính là kẻ thù"
Thủ tướng Hà Lan vừa lên tiếng về vụ tấn công ở Paris. Ông khẳng định: "Phiến quân IS chính là kẻ thù. Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh với IS, không phải với đạo Hồi hay bất kỳ tôn giáo nào".
Trong khi đó, Tổng thống Syria Bashar al-Assad so sánh thảm kịch ở Paris giống như hoàn cảnh sống bạo lực của người dân Syria "trải qua mỗi ngày trong 5 năm qua". Từ lâu, chính phủ Pháp khẳng định quan điểm rằng ông Assad phải chịu trách nhiệm cho cuộc nội chiến ở Syria, và không thể có vai trò nào trong chính phủ tương lai.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, các vụ tấn công ở Paris đêm 13/11 là “minh chứng” cho thấy sự cần thiết của cuộc chiến chống phiến quân IS và mặt trận Al-Nusra, theo AFP.
Giáo hoàng Francis lên án các vụ tấn công đẫm máu ở Paris là hành động "vô nhân tính" không thể biện minh. Chúng khiến ông run rẩy và đau đớn". "Không có lời nào biện minh cho những điều này. Đó không phải là hành động của con người”, ông nói bằng giọng buồn bã khi gọi điện cho một đài truyền hình Công giáo của Italy. Đức Giáo hoàng nói thêm rằng ông đang cầu nguyện cho các nạn nhân, gia đình và tất cả người dân Pháp.
Thủ tướng Anh David Cameron vừa triệu tập một cuộc họp chính phủ khẩn cấp và thành lập nhóm đối phó với các mối đe dọa, đặc biệt liên quan đến vụ khủng bố ở Paris.
Nước Anh hiện đặt trong tình trạng an ninh cao thứ 2 kể từ sau tháng 8/2014. Hành động này cho thấy London lo ngại cao về khả năng những vụ tấn công có thể xảy ra. Cảnh sát đã tăng cường tuần tra ở những điểm phổ biến trong thủ đô. "Cả nước hãy chuẩn bị đối phó với thương vong trong vụ tấn công ở Paris", Thủ tướng Cameron cảnh báo.
Thủ tướng Anh gửi lời đến nhân dân Pháp rằng: "Nỗi đau của các bạn cũng là nỗi đau của chúng tôi. Cuộc chiến của các bạn cũng là cuộc chiến của chúng tôi". Ông Cameron nói mức cảnh báo khủng bố ở Anh vẫn duy trì trong tình hình "nghiêm trọng". Tuy nhiên, Anh sẽ xem xét lại các kế hoạch an ninh và cho rằng hiểm họa từ khủng bố IS "đang phát triển".
IS nhận trách nhiệm
Independent đưa tin, Al-Hayat, nhóm truyền thông của IS lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra hàng loạt vụ tấn công liên tiếp ở thủ đô Paris của Pháp. Chúng gọi đây là một "phép lạ".
Trong một tuyên bố chính thức được viết bằng tiếng Pháp, IS cho biết Pháp là "mục tiêu hàng đầu" của nhóm. Tổ chức Hồi giáo cực đoan nói, chúng đã nghiên cứu kỹ các địa điểm để tấn công.
IS viết: “8 huynh đệ mang đai thuốc nổ và súng để tấn công các khu vực trung tâm đã được chọn trước tại thủ đô nước Pháp: sân vận động Stade de France – nơi diễn ra trận đấu với Đức mà Francois Hollande đang có mặt; nhà hát Bataclan - nơi hàng trăm kẻ tôn thờ thần tượng ở bên nhau trong một bữa tiệc cùng nhiều mục tiêu khác tại quận 10, 11 và 18”.
"Pháp và những kẻ đi theo con đường giống nước này phải biết rằng chúng vẫn là mục tiêu chính của IS. Chúng dám xúc phạm đấng tiên tri, khoác lác về cuộc chiến chống Hồi giáo ở Pháp và tấn công người Hồi giáo tại vương quốc bằng máy bay. Những điều này không giúp chúng thoát khỏi các con phố sặc mùi bệnh tật ở Paris. Cuộc tấn công này chỉ là sự khởi đầu của một cơn bão và lời cảnh báo cho những kẻ muốn rút ra bài học”.
Phát hiện hộ chiếu Syria gần thi thể kẻ đánh bom
Truyền hình Pháp dẫn nguồn tin an ninh cho biết họ phát hiện hộ chiếu Syria ở gần thi thể một kẻ đánh bom liều chết.
Nguồn tin cảnh sát Pháp cho biết, hai trong số 7 tên khủng bố gây ra hàng loạt vụ tấn công ở Paris đã được nhận diện. Theo đó, cảnh sát đã tìm thấy hộ chiếu Syria gần thi thể của một trong những kẻ đánh bom liều chết ở sân vận động Stade de France. Đối tượng còn lại được xác định là công dân Pháp, Sputnik đưa tin.
Trong khi đó, tờ Libération cho hay, một trong những tên khủng bố xả súng ở nhà hát Bataclan được xác định là kẻ cực đoan người Pháp và nằm trong tầm ngắm của cảnh sát.
Willy Le Devin, phóng viên chuyên về mảng an ninh và pháp lý, nói rằng cảnh sát đã xác định quốc tịch Pháp của tên này qua dấu vân tay.
Ngày 13/11 theo giờ địa phương, những kẻ khủng bố thực hiện hàng loạt vụ tấn công vào 7 địa điểm riêng biệt tại thủ đô Paris, Pháp làm ít nhất 128 người thiệt mạng và rất nhiều người khác bị thương. Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, một công dân nước này nằm trong số những người bị thương trong vụ tấn công liên hoàn ở Paris.
Lần đầu tiên sau nhiều thập niên, Tổng thống Pháp phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đóng cửa biên giới nhằm ngăn những kẻ khủng bố có thể đến Pháp cũng như chặn đường tháo chạy ra nước ngoài của những kẻ thực hiện vụ tấn công.
Trong các địa điểm bị khủng bố, vụ tấn công và bắt cóc con tin ở rạp hát Bataclan là nghiêm trọng nhất với ít nhất 80 người thiệt mạng.
Tổng thống Pháp đã thị sát nhà hát Bataclan và kêu gọi người dân Pháp bình tĩnh, đoàn kết để chống lại chủ nghĩa khủng bố.
“Đối mặt với khủng bố, nước Pháp cần mạnh mẽ”, ông Hollande nói trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp.