Người dân thắp nến tại quảng trường Place de la Republique ở thủ đô Paris để tưởng nhớ 129 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công kinh hoàng tại 6 điểm đông đúc. Ảnh: Getty. |
Đầu năm 2015 khi vụ thảm sát Charlie Hebdo xảy ra, ít người dân Pháp không nghĩ họ sẽ phải chịu thêm một nỗi đau khủng khiếp như ngày 13/11 vừa qua. 129 người thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương. Nước Pháp chưa bao giờ trải qua một thảm kịch nặng nề tới vậy kể từ sau Chiến tranh Thế giới II.
Hàng loạt câu hỏi cho tổng thống
Trong nước, chính quyền của Tổng thống Francois Hollande phải đối mặt đồng thời với quá nhiều thách thức: kinh tế chưa kịp hồi phục, châu Âu bất ổn với nợ công Hy Lạp, dòng người tị nạn từ Trung Đông mỗi lúc một tăng, cuộc chiến chống khủng bố ngày càng khó lường…
Về phía người dân, họ chắc chắn đau thương, buồn bã trước sự ra đi của hàng trăm đồng bào của mình cũng như thất vọng trước sự bất lực của cảnh sát và nhà chức trách. Không cần quá am hiểu chính trị để có thể đặt ra hàng loạt câu hỏi cho chính quyền ông Hollande: Tại sao lại là nước Pháp? Tại sao an ninh không có bất cứ thông tin gì về khủng bố? Tại sao chúng có thể ngang nhiên cầm vũ khí hạng nặng giữa Paris khi chưa đầy một tháng nữa là hội nghị COP 21?
Những nghi vấn này hoàn toàn có cơ sở nếu xét tới sự “tích cực” hơi thái quá của Pháp với thế giới Hồi giáo, sự lỏng lẻo trong hệ thống an ninh và tình báo của nước này.
Chờ đợi gì từ chính sách hiện nay?
Ông Hollande sẽ trải qua hai năm khó khăn nhất trong nhiệm kỳ của mình. Nhiều khả năng khi ông mãn nhiệm, một người khác sẽ trở thành tổng thống. Giữa hai đối thủ là ông Nicolas Sarkozy và bà Marine Le Pen, có lẽ Sarkozy chiếm ưu thế hơn.
Dẫu có người nói, Le Pen với một hướng đi cứng rắn và cực đoan có thể tốt cho nước Pháp hiện tại nhưng xét cho cùng, nếu đem cực đoan chống lại cực đoan thì hậu quả sẽ ra sao? Trong khi đó, Sarkozy tuy vướng vào không ít bê bối nhưng kinh nghiệm làm tổng thống cộng thêm mối quan hệ khá tốt với Đức và Mỹ có vẻ sẽ được lòng người Pháp hơn.
Sau vụ khủng bố, lần đầu tiên sau nhiều thập niên, Tổng thống Pháp phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đóng cửa biên giới nhằm ngăn những kẻ khủng bố có thể đến Pháp cũng như chặn đường chạy ra nước ngoài của những kẻ thực hiện vụ tấn công. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, trong lúc đợi một hướng đi mới trong chính sách của Pháp, tất cả vẫn trông vào Hollande. Một hướng đi chính sách mới ngay lúc này là khó xảy ra, bởi Hollande đã không được người Pháp tin như khi đắc nhiệm năm 2012.
Dẫu vậy, những giải pháp tình thế đúng đắn vẫn có thể giúp nước Pháp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ngược lại, với diễn biến phức tạp nhanh chóng mặt như hiện nay, một nước cờ sai lầm có thể khiến nước này phải trả giá đắt. Mới đây, Pháp đã dùng phi cơ tấn công sào huyệt của IS như một biện pháp trả đũa và xoa dịu dư luận. Tuy nhiên, hiệu quả của nó tới đâu thì còn nhiều dấu hỏi được đặt ra.
Bài học nhãn tiền về vụ 11/9 và chiến tranh Iraq của Mỹ vẫn còn đó. Nếu tiến hành chiến tranh, nguy cơ sa lầy là rất cao khi IS giàu có cũng như mạnh hơn al-Qaeda rất nhiều và Pháp cũng không có tiềm lực lớn như Mỹ.
Thái độ với người Hồi giáo: Bài toán khó giải!
Mấu chốt vấn đề hiện nay đối với Pháp có lẽ là bài toán thái độ với người Hồi giáo. Đáng chú ý là các nghiên cứu xã hội học ở Pháp cho thấy, các tín đồ Hồi giáo trẻ (18 – 25 tuổi) có xu hướng trung thành với tôn giáo của mình hơn các thế hệ trước. Nói cách khác, họ cũng là nhóm đối tượng dễ bị các tổ chức khủng bố cực đoan dễ lợi dụng nhất.
Khoảng 4 – 5 triệu người ở Pháp (18 – 50 tuổi) có liên quan tới Hồi giáo. Trong đó, khoảng 2,1 triệu tín đồ Hồi giáo thực sự, nhóm còn lại chỉ theo văn hóa hoặc có nguồn gốc xuất thân từ các nước đạo Hồi.
Le Monde công bố đầu năm 2015
Sau vụ khủng bố tối 13/11 vừa qua, người Hồi giáo trở thành thách thức chính đối với xã hội Pháp. Từ góc độ nhân dân, người Pháp sẽ cư xử với những người Hồi giáo xung quanh mình thế nào? Ôn hòa, coi như không có gì hay tỏ thái độ kỳ thị, cô lập họ, đặc biệt thành phần nhập cư tị nạn từ các nước Trung Đông?
Nên nhớ tổ chức khủng bố IS không đại diện cho cả Hồi giáo, đó chỉ là những kẻ diễn giải Hồi giáo theo một cách sai lầm nhằm phục vụ mục đích xấu. Nhưng trong xã hội Pháp nói riêng và có lẽ cả thế giới nói chung, không phải ai cũng có đủ nhận thức và trình độ để phân biệt rạch ròi hai ý niệm ấy. Ngay cả trước khủng bố, một số lượng không ít người Pháp khá cực đoan và luôn có thái độ kỳ thị, phân biệt chủng tộc đối với những người có nguồn gốc Arab.
Đó là điểm khởi đầu cho những phần tử Hồi giáo cực đoan trong lòng nước Pháp. Các phần tử này chủ yếu có cha mẹ là người nhập cư. Họ sinh ra ở Pháp, “tắm” trong những giá trị công bằng, dân chủ phương Tây nhưng lại luôn cảm thấy bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Như một lẽ tất yếu, họ tìm về với các tổ chức khủng bố như anh em Chérif và Saïd Kouachi trong vụ Charlie Hebdo.
Từ góc độ làm chính sách, chính quyền Hollande chắc chắn sẽ rất đau đầu vì vấn đề trên. Thắt chặt nhập cư, ngăn chặn các phần tử khủng bố xâm nhập nước Pháp là biện pháp tất yếu nhưng tới mức nào và trong bao lâu lại đặt ra vấn đề. Đóng cửa biên giới như hiện nay chỉ là một giải pháp tạm thời và ngắn hạn.
Mục đích nham hiểm của IS
Về lâu dài chính sách này sẽ làm ảnh hưởng tới cả châu Âu khi dòng người tị nạn từ Trung Đông mỗi lúc một đông mà chỉ mới đầu tháng 9 năm nay, Pháp dự kiến đón thêm khoảng 24.000 người nhập cư mới. Trong nước, vấn đề còn phức tạp hơn bởi nếu áp dụng chính sách riêng với các nhóm đối tượng như một biện pháp đảm bảo an ninh nhưng không khéo léo thì chẳng khác nào tự tát vào giá trị tự do, bình đẳng, bác ái của chính mình.
Song nếu khoanh tay không trấn an dư luận mạnh tay, liệu người Pháp có yên tâm sống và làm việc như trước. Vụ khủng bố tại Paris thực sự là một cú sốc quá lớn với họ.
Đây có lẽ là mục đích nhắm tới của IS khi thực hiện vụ tấn công vào thủ đô Paris tối 13/11 vừa qua. Một đòn đánh giáng thẳng trực tiếp vào niềm tin và tinh thần Pháp của người dân. IS muốn người Pháp kỳ thị người Hồi giáo nói chung, khiến những người này mong manh và dễ sa ngã vào chủ nghĩa cực đoan do tổ chức này dựng lên.
Khi đó, một nước Pháp bị chia rẽ, thiếu đoàn kết và đầy mâu thuẫn sẽ yếu thế hoàn toàn so với một tổ chức khủng bố ngày càng mạnh lên và có chân rết đông đảo trong lòng xã hội ấy. Không loại trừ đây cũng chính là kịch bản mà IS muốn thực hiện với nhiều quốc gia phương Tây khác.
Tại thời điểm này, sẽ rất khó để đưa ra một giải pháp, khuyến nghị cụ thể cho vấn đề của nước Pháp. Hãy cùng chờ xem những người trong cuộc sẽ làm gì và thời gian sẽ cho ta lời giải đáp thỏa đáng nhất.
|