Văn học Nga là nền văn học rực rỡ, có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa, văn học của nước ta. Những tác phẩm kinh điển của các tác giả như A. Pushkin, M. Lermontov, I. Bunin, L. Tolstoy, P. Dostoevsky, N. Gogol, A. Chekhov, K. Pautovsky, M. Gorky, B. Pasternak, M. Bulgakov, A.Tolstoy, M. Solokhov… được tái bản khá nhiều lần và được nhiều thế hệ độc giả Việt say mê.
Tuy nhiên, ở giai đoạn bản lề thế kỷ 20-21, thế giới nói chung và nước Nga nói riêng đã trải qua cơn chấn động địa chính trị lớn. Điều này phần nào ảnh hưởng việc thưởng thức dòng văn học đầy nội lực này.
Hòa nhịp với những nỗ lực gần đây nhằm thúc đẩy dịch văn học Nga sang tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM phối hợp Đại học Tổng hợp Quốc gia Kuban (Krasnodar - Nga), với sự tài trợ của Viện Dịch thuật Nga, đã chọn dịch và giới thiệu Tuyển tập văn học Nga hiện đại: 12 truyện ngắn đầu thế kỷ 21, của 12 tác giả.
Họ là những nhà văn thuộc các thế hệ sáng tạo khác nhau nhưng làm việc trong không gian văn học Nga hiện đại, với các khuynh hướng, phong cách, tuổi đời khác nhau, giúp hình thành phần nào cái nhìn bao quát về văn học Nga đầu thế kỷ 21.
Tuyển tập văn học Nga hiện đại: 12 truyện ngắn đầu thế kỷ 21. Ảnh: Q.M. |
Tuyển tập truyện ngắn được xây dựng dựa trên mối quan tâm của độc giả Việt Nam đối với văn học Nga hiện đại.
Không chỉ khôi phục một phần kết nối của các thế hệ văn học và truyền thống kinh điển Nga, tìm thấy sự tiếp tục của họ trong các tác phẩm thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, Tuyển tập văn thì Nga hiện đại: 12 truyện ngắn đầu thế kỷ 21 lựa chọn các truyện ngắn hấp dẫn theo hướng hiện thực, thời sự.
Có thể kể đến như truyện ngắn Một người khốn khổ của nữ văn sĩ và thi sĩ Lyudmila Petrushevskaya (sinh năm 1938). Truyện kể về người bất hạnh, không tìm thấy chỗ đứng của mình trong thế gới, đau khổ vì cô đơn, vì thiếu lòng tốt và tình yêu của những người thân thiết.
Truyện đặt ra vấn đề rất đáng quan tâm là chúng ta ngày càng lún sâu vào vỏ bọc cuộc sống thường nhật nhàm chán và xa lánh những người mình yêu thương, đang trở nên hờ hững và cô đơn; hoặc theo hướng châm biếm, nghịch dị, ảo ảnh như truyện ngắn Tin nóng của nhà văn, người dẫn phát thanh, phóng viên chiến trường Dmitry Glukhovsky (sinh năm 1979). Tác phẩm đã lột trần những vấn đề cấp bách của xã hội.
Chạm đến các vấn đề đạo đức, phẩm chất con người có truyện ngắn Hiệp sĩ keo kiệt của nhà văn, nhà biên kịch, nhà sử học điện ảnh Nga Elena Dolgopyat (sinh năm 1963). Các sự kiện trong truyện ngắn này được thể hiện dưới góc nhìn của nhân vật chính Ivan Phomich, trong khi hình ảnh của chính ông ta lại do cái nhìn của những người khác vẽ.
Trong truyện ngắn Biết kể làm sao, nhà văn, nhà báo thế hệ cũ Boris Ekimov (sinh năm 1938) tin rằng để con người tử tế hơn, “anh ta phải biết xót thương ai đó, sẽ không có sự nghiệt ngã nào”.
Truyện ngắn Họ kép của nữ văn sĩ và kịch gia Dina Rubina (sinh năm 1953) là câu chuyện của tình yêu, sự phản bội, nỗi lo sợ và sự dối trá. Những nhân vật được tạo ra với số phận bi thảm, khó khăn, mà cuộc đời chỉ gồm những mù mờ và lừa dối.
Nói về cảm xúc cha con có tự truyện Rừng của nhà văn, nhà báo Zakhar Prilepin (sinh năm 1975). Truyện đề cập cảm xúc và những trải nghiệm của một cậu bé nhớ về cha mình, với tình yêu thương vô bờ, qua lăng kính của một chuyến phiêu lưu trên dòng sông giữa khu rừng đánh kinh ngạc và sợ hãi.
Bên cạnh đó còn là những suy tư vì ý nghĩa của cuộc sống như truyện ngắn Vết mực của Nabokov của nhà văn Nga sống tại Thụy Sĩ Mikhail Shishkin (sinh năm 1961)…
Bà Marina Vladimirovna Sharoiko, giảng viên Bộ môn Lý luận văn học, khoa Ngôn ngữ Nga, Đại học Tổng hợp Kuban, là người tuyển chọn, giới thiệu tác giả, tác phẩm. Dịch giả Phan Xuân Loan, cựu sinh viên trường, đồng tuyển chọn và chuyển ngữ 12 truyện ngắn sang tiếng Việt.