Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'52 câu chuyện' của bậc thầy truyện ngắn Nga Anton Chekhov

Cuốn sách cho phép độc giả tiếp cận thế giới văn học đa diện nhiều màu sắc của nhà văn Nga Chekhov, một trong những cây bút truyện ngắn có ảnh hưởng nhất mọi thời đại.

“Nạn dịch tả hoành hành khắp nơi, đâu đâu cũng cách ly, đâu đâu cũng là nỗi sợ hãi”, Anton Chekhov viết trong một lá thư vào năm 1890. Vị bác sĩ 30 tuổi, khi ấy đã nổi danh về tài văn chương, phải đối mặt với nỗi kinh hoàng của nạn dịch tả đang tàn phá khắp châu Âu và châu Á.

Chekhov được cử đến 25 ngôi làng ở địa phương để giúp đỡ, nhưng từ chối mọi khoản thù lao.

"Chẳng còn thời giờ đâu mà nghĩ đến văn học", trong những bức thư, ông than thở về chuỗi tháng ngày sống trong dịch bệnh cô đơn và buồn chán, song vẫn thừa nhận: "Nếu nhìn từ bên ngoài vào thì thật ra, trong đại dịch này có rất nhiều điều thú vị".

“Một con người lớn lao, thông minh, và biết quan tâm đến mọi sự”, Maxim Gorky yêu mến và ngưỡng mộ Anton Chekhov cả ở tài năng và ở nhân cách lớn. Đối với Lev Tolstoy, ông "thật cao đẹp và vĩ đại".

Ông khiến người ta liên tưởng đến "vị bác sĩ tốt" trong vở nhạc kịch cùng tên của Neil Simon hay hình tượng "bác sĩ Zhivago" trong tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga Boris Pasternak, Chekhov là hiện thân của sự khiêm nhường, nhẫn nại và tử tế, New York Times nhận định.

Ông bỏ tiền để xây thư viện, trường học, chữa chạy miễn phí cho hàng nghìn người nghèo. Ông đến Siberia để vận động cải cách nhà tù, trong khi vẫn hết lòng giúp đỡ gia đình - gồm cả hai người anh em trác táng và người cha vũ phu đã khiến họ trải qua những năm tháng tuổi thơ khốn khổ.

Chekhov xem sự bình thản và tự tại là “lẽ sống”, như có lần ông từng viết: "Chỉ có những người tự tại mới có thể nhìn mọi thứ một cách rõ ràng, người tự tại mới có thể làm việc một cách công bằng và chính trực".

"Cuộc sống như nó vốn có"

New York Times nhận định nghệ thuật vốn thường chẳng dễ dung hòa giữa sự vĩ đại của cái ta chung rộng lớn và cá tính của cái tôi riêng biệt, vậy mà văn học của Chekhov lại hòa quyện cả hai điều đó, tạo nên một hấp lực mạnh mẽ khó có thể lý giải.

Nhà văn mà bao thế hệ cảm phục vì trái tim nhân hậu lại đồng thời sở hữu một giọng văn lạnh lùng, thậm chí đôi lúc (có vẻ như) “tàn nhẫn”. Chekhov luôn muốn tách mình ra khỏi những gì ông nhìn thấy, như một người ở ngoài lề, để khách quan ghi lại tất cả - Một người có khả năng nhận ra “rất nhiều điều thú vị trong đại dịch” để khắc họa đủ loại tính cách hèn mọn, tầm thường của đời sống hàng ngày: kẻ lười biếng ăn không ngồi rồi, kẻ khoe khoang, những kẻ sắp chết và hoang tưởng.

nha van Nga Anton Chekhov anh 1
Nhà văn người Nga Anton Chekhov (1860 - 1904). Ảnh: AF Archive.

Chekhov tâm niệm "điều khiến cho văn học trở thành nghệ thuật chính xác là sự mô tả cuộc sống như nó vốn có". Ông đã lột tả chân thật và sâu sắc cuộc sống, tư tưởng, tình cảm của mọi tầng lớp con người trong “buổi hoàng hôn” của nước Nga, thẳng thắn phơi bày tất cả sự khủng khiếp của xã hội cũ nhỏ nhen, trì trệ.

Văn học của ông khiến con người phải đối mặt với hiện thực để rồi đánh thức trong họ khát vọng về một sự thay đổi lớn lao cần phải có để thoát khỏi cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt.

Nhà cách tân lớn của truyện ngắn

Tuyển tập Fifty-Two Stories (52 câu chuyện) - tập hợp những truyện ngắn đặc sắc của Chekhov được dịch sang tiếng Anh bởi Richard Pevear và Larissa Volokhonsky vừa ra mắt hồi tháng 4 - đã cho thấy sự đa dạng đáng kinh ngạc trong phong cách nghệ thuật của bậc thầy truyện ngắn người Nga.

52 tác phẩm trải dài toàn bộ sự nghiệp văn học của Chekhov, phong phú từ đề tài đến cách thể hiện, cho phép độc giả tiếp cận một thế giới văn học đa diện nhiều màu sắc của Chekhov với đủ loại nhân vật, tính cách và thân phận đến từ mọi miền nước Nga. Trong số đó có cả những truyện từ thời kỳ đầu sáng tác của ông và một số tác phẩm chưa từng được dịch sang Anh ngữ như Reading (Đọc) hay An Educated Blockhead (Gã đần có học).

nha van Nga Anton Chekhov anh 2
Bìa cuốn sách Fifty-Two Stories (52 câu chuyện) của Anton Chekhov. Ảnh: New York Times.

Chekhov bắt đầu văn nghiệp khoảng năm 1880, với những truyện ngắn, tiểu phẩm hài đăng ở góc của những tờ báo nhỏ. Ông từng cộng tác thường xuyên với tạp chí “Oskolki” - cái tên có nghĩa "Những mảnh nhọn" - cũng là một mô tả xác đáng dành cho các sáng tác của Chekhov.

Một kiểu "truyện (như) không có chuyện" - thường lấy chất liệu từ đời sống sinh hoạt hàng ngày, giản dị, ngắn gọn và hài hước, nhưng cũng đầy gai góc và sâu cay. Tỉ như truyện Joy (Niềm vui) kể về chàng trai trẻ sung sướng tự hào khoe với bố mẹ mình được lên báo - về việc anh này suýt nữa thì mất mạng vì say xỉn.

Chekhov tự nhận xét rằng các truyện ngắn ở thời kỳ đầu của ông “dở tệ”. Dù vậy ở đó độc giả vẫn nhận ra dấu ấn đặc trưng của nhà văn Nga trong những cái kết đột ngột, cách ông tháo mở nút thắt đầy bất ngờ.

Ông thường phàn nàn chuyện các "tiểu phẩm hài" của mình bị cắt xén, khiến chúng trở nên ngớ ngẩn và tẻ nhạt. Điều tương tự đã không xảy ra với bản dịch của Pevear và Volokhonsky, hai dịch giả nổi tiếng từng dành giải thưởng dịch thuật với tác phẩm Anna Karenina và Chiến tranh và Hòa bình (Lev Tolstoy).

Các tác phẩm sau khi được chuyển ngữ bởi Pevear và Volokhonsky vẫn giữ trọn vẹn tinh thần của nguyên tác với sức lay động mạnh mẽ. Có lẽ là bởi vì sức hút của văn học Chekhov không nằm ở kỹ thuật diễn ngôn hay cốt truyện.

Ngôn ngữ của ông ngắn gọn, cốt truyện giản đơn thậm chí đôi khi là vay mượn. Nhưng chính lối diễn đạt cô đọng mà đầy sức chứa, sự phản ánh xác thực đời sống qua cái nhìn khách quan đầy cẩn trọng, chính cách mà Chekhov đặt các nhân vật của mình vào tình thế phải phá bỏ mọi “hàng rào phòng thủ" và buộc họ phải phơi trần bản chất, đã khiến cho các tác phẩm của ông có sức rung cảm mãnh liệt đối với độc giả bao thế hệ.

“Nhà văn làm ta muôn thuở say mê”, Gorky khẳng định “sức mạnh của tài năng Chekhov chính là ở chỗ ông không bao giờ bịa đặt ra một điều gì… Ông không nói thêm điều gì mới, nhưng điều ông nói được diễn đạt một cách giản dị, thật hùng hồn sáng rõ, giản dị đến mức đáng kinh ngạc, chân xác đến không thể nào phủ nhận được”.

“Ông ấy đã tạo ra một bút pháp mới, hoàn toàn mới cho cả thế giới mà tôi chưa gặp ở đâu”, Tolstoy nói về các tác phẩm của Chekhov. Với 25 năm sáng tạo nghệ thuật, ông đã có những đóng góp quan trọng cho tiến trình văn học Nga và văn học thế giới thế kỷ 20, với vai trò là nhà cách tân lớn trong lĩnh vực văn xuôi, đặc biệt là truyện ngắn và kịch.

Chekhov sớm phát hiện mình mắc bệnh lao phổi trong những năm thiếu thời, căn bệnh nan y đã cướp đi cuộc sống của ông ở tuổi 44, khi sức sáng tạo còn rất dồi dào. Ông để lại một di sản văn học đồ sộ, phong phú gồm khoảng 800 truyện: một bức tranh văn học lớn lao đã khắc họa sinh động mọi khía cạnh của cuộc sống xã hội Nga đương thời.

'Năm nghỉ ngơi của tôi' - góc trần trụi về nước Mỹ đầu thiên niên kỷ

Một cô gái trẻ có cuộc sống như mơ nhưng lại vùi mình trong giấc ngủ triền miên để quên đi sự đời, cuốn sách viết về câu chuyện 20 năm trước nhưng vẫn đầy hơi thở của hiện tại.

Pháp cách ly viện dưỡng lão, nhiều người già có thể chết trong cô độc

Các chuyên gia ở Pháp cảnh báo việc nhiều người già phải chết một mình trong các trại dưỡng lão sẽ để lại những tổn thất tinh thần nặng nề cho xã hội.

Ngụy An

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm