Cũng như nhiều quốc gia khác, người cao tuổi trong các trại dưỡng lão ở Pháp đang phải cách ly nghiêm ngặt để tránh nguy cơ lây nhiễm virus corona, ít nhất cho đến 11/5 khi các biện pháp phong tỏa ở Pháp được trông đợi sẽ nới lỏng dần dần.
Đây là điều đau lòng cho các gia đình, nhất là gia đình của những người cao tuổi đang hấp hối, theo bài viết của AFP.
Người cao tuổi trong một viện dưỡng lão ở Brest, Pháp. Ảnh: AFP. |
“Xin cám ơn tất cả, đặc biệt là những nhân viên chăm sóc đã bất chấp chỉ thị của chính phủ để cho phép các gia đình tiễn biệt người thân, khi có thể; những người cảm thông cho việc vào thăm người thân hấp hối khi đã đầy đủ trang bị bảo hộ để giảm nguy cơ lây nhiễm, để họ không phải chết trong cô độc; những người đã cho thấy lòng trắc ẩn. Cám ơn mọi người".
Lời nhắn được Virginie Verlyndes đăng trên Facebook hôm 9/4, một ngày đau buồn nhưng cũng đầy biết ơn dành cho những người đã giúp bà của cô không phải ra đi đơn độc, bất chấp các biện pháp phong tỏa gắt gao để chống dịch. Ngày hôm đó, bà của cô, Simone Verlyndes, qua đời ở tuổi 99.
“Chúng tôi đã muốn tổ chức một bữa tiệc sinh nhật thật vui để mừng bà 100 tuổi”, Virginie Verlyndes, 38 tuổi, nói với France 24. Nhưng bà của cô đã không qua khỏi.
Simone Verlyndes, sau 7 năm sống ở trại dưỡng lão quận 14 Paris, đã chết trong phòng cấp cứu vài giờ sau khi bà được chuyển đến đây. Bà được xét nghiệm dương tính với Covid-19 nhưng khi phát hiện đã quá muộn.
“Bà tôi đã thấy không khỏe từ vài ngày trước đó. Mẹ phát hiện ra khi nghe giọng bà trên điện thoại. Nhưng chúng tôi không được phép thăm bà”, Virginie nói.
Nỗi đau quá sức chịu đựng
Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm xuống thấp nhất có thể, chính phủ Pháp ban hành các biện pháp cách ly nghiêm ngặt tại các nhà dưỡng lão: Đầu tiên hạn chế người nhà vào thăm, đến giữa tháng 3 thì cấm toàn bộ việc thăm nom.
Cuối tháng 3, trước tình trạng virus lây lan nhanh chóng, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran tiếp tục thắt chặt hơn các quy định bằng việc áp dụng biện pháp cách ly cá nhân đối với người cao tuổi ở các nhà dưỡng lão, yêu cầu họ chỉ được ở trong phòng.
Một bệnh nhân cao tuổi mắc Covid-19 được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt tại một bệnh xá ở Neuilly-sur-Seine gần Paris, Pháp. Ảnh: Reuters. |
Các biện pháp kể trên nhằm hạn chế tiếp xúc và nguy cơ lây nhiễm cho nhóm người cao tuổi dễ bị tổn thương. Từ khi dịch bệnh bùng phát ở Pháp, hơn 6.500 người đã chết vì corona tại các cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trong đó có các trại dưỡng lão.
Nhưng việc cách ly người cao tuổi, nhất là những người đang hấp hối, là nỗi mất mát tinh thần khó có thể chấp nhận đối với người thân của họ. “Trên điện thoại, bà tôi liên tục nói: ‘Ở đây chỉ có mình bà. Bà không thấy ai cả. Bà sẽ chết một mình ở đây”, Verlyndes nghẹn ngào. “Đối với mẹ tôi, đó là nỗi đau quá sức chịu đựng”.
Không thể có niềm an ủi cuối cùng
Các chuyên gia tâm thần học và bác sĩ lão khoa mới đây đã phải lên tiếng cảnh báo. Bạn sẽ không thể nào đối diện được với nỗi đau, nếu như không thể ở bên cạnh người thân yêu lúc nhắm mắt xuôi tay, nhà tâm thần học Serge Hefez chia sẻ trên đài phát thanh France Inter. Chính Hefez cũng mất đi mẹ mình khi bà đang tự cách ly ở một viện dưỡng lão.
“Niềm an ủi của đời người phút lâm chung là được người thân yêu ở bên, nắm tay và trấn an họ trong thời khắc giã từ cõi sống, vậy mà giờ đây nhiều người không thể có nổi niềm an ủi cuối cùng ấy. Chúng ta đang đánh mất nhân tính khi lao vào chống dịch với một tâm lý phòng vệ quá mức đến man rợ, mà quên mất rằng cái chết cũng là một phần quan trọng của đời người”, Hefez nói.
Tổng thống Emmanuel Macron có lẽ đã lắng nghe và đồng cảm với điều đó. Trên sóng truyền hình hôm 13/4, lãnh đạo Pháp thông báo các bệnh viện và trại dưỡng lão hãy cho người nhà thăm bệnh nhân đang hấp hối để họ có thể nói lời từ biệt, với điều kiện đảm bảo trang bị đầy đủ đồ bảo hộ.
Quan tài được chuyển đi tại nhà dưỡng lão Fondation Rothschild ở Paris, Pháp. Ảnh: Reuters. |
Verlyndes kể rằng nhờ một vị bác sĩ tốt bụng đã "đồng ý phá lệ" mà mẹ cô có thể vào thăm bà trong lúc hấp hối. "Mẹ tôi (Laurence) đã khẩn cầu để được gặp bà lần cuối. Một bác sĩ thương tình đã cho phép mẹ vào thăm bà bất chấp lệnh cấm".
Laurence được nhân viên y tế phát khẩu trang, găng tay và quần áo bảo hộ, và được ở cùng mẹ mình trong 30 phút để nói lời tiễn biệt.
"Mẹ nắm lấy tay bà, dù bác sĩ không muốn vậy. Mẹ lắng nghe bà nói những lời trăn trối, chụp một tấm ảnh cuối cho tất cả chúng tôi, và cuối cùng, quan trọng nhất, là nói lời từ biệt".
Hai tiếng sau khi con gái rời đi, bà Simone Verlyndes qua đời. "Việc mẹ có thể gặp bà, trò chuyện cùng bà, nắm tay và nói với bà rằng mẹ đang ở đây, bên cạnh bà - điều đó có ý nghĩa vô cùng lớn - đối với mẹ và cả với chúng tôi, những đứa cháu của bà", Virginie Verlyndes chia sẻ.