Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chuyện một cô gái' - tiếng nói dữ dội của văn học Pháp

Những trang sách dữ dội lưu giữ ký ức cả đời nữ nhà văn Pháp Annie Ernaux mở lối cho những người phụ nữ đến với sự tự chủ xã hội và giới tính.

Một buổi chiều, Annie Ernaux ngồi trong vườn nhà ở Cergy Pontoise, ngoại ô Paris, miêu tả về căn phòng khách của bà trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với phóng viên tờ New York Times.

"Tôi ngồi trên cái ghế bành cũ. Có cửa sổ quay mặt về hướng nam, nên tôi có thể nhìn thấy bầu trời, vài đám mây, và một cái cây, ở bên trái", bà nói, vẫn cái cách chọn lọc chi tiết qua con mắt của người viết truyện ký bậc thầy. "Một nơi rất yên tĩnh. Mà dạo này còn yên tĩnh hơn nhiều".

van hoc Phap anh 1

Annie Ernaux tại nhà riêng ở Cergy Pontoise, ngoại ô Paris. Tác phẩm mới nhất của bà "A Girl's Story" (Chuyện một cô gái) vừa được xuất bản tại Mỹ. Ảnh: New York Times.

Nước Pháp đang trong những ngày phong tỏa nghiêm ngặt vì virus corona, cho nên cuộc phỏng vấn người phụ nữ 79 tuổi không thể diễn ra trực tiếp.

Dù vậy, không khó để hình dung về Ernaux và ngôi nhà của bà nếu ai đã từng đọc những tác phẩm mà nữ nhà văn lưu cất hồi ức cả một đời.

Tiếng nói đặc biệt của văn học Pháp

Sáng tác bền bỉ gần 50 năm (kể từ thập niên 70), Ernaux có vị trí đặc biệt trong văn học Pháp không chỉ nhờ khả năng đào sâu vào trải nghiệm bản thân mà còn bởi những kết nối và đối thoại sâu sắc giữa câu chuyện cá nhân và ký ức tập thể.

Tác phẩm đầu tay của Ernaux, "Cleaned Out" (Những chiếc tủ rỗng, 1974), là tự sự của bà về những năm tháng đầu đời sống trong tầng lớp lao động, về những vật vã đau đớn phải chịu đựng sau cuộc phá thai giấu kín; cuốn sách được xuất bản ngay trước khi phá thai được hợp pháp hóa ở Pháp.

Sau thời kỳ đầu với các sáng tác ít nhiều mang tính chất hư cấu, Ernaux chuyển sang tập trung vào thể loại tự truyện, viết về cuộc hôn nhân buồn của bà, về người mẹ mắc chứng mất trí nhớ Alzheimer, về những trải nghiệm của bà với căn bệnh ung thư, và cả những cuộc tình sôi nổi ở tuổi trung niên.

Ernaux được công nhận ở Pháp đã từ lâu nhưng tên tuổi bà ít được biết đến ở các nước nói tiếng Anh mãi cho đến năm ngoái, khi một trong các cuốn tự truyện gần đây của bà là "The Years" (Những năm tháng) được đề cử giải thưởng văn học quốc tế Man Booker.

Giờ đây các tác phẩm của nữ nhà văn Pháp được tiếp cận rộng rãi hơn trên thế giới, mới đây nhất là cuốn sách mang tên "A Girl's Story" vừa được xuất bản tại Mỹ hồi đầu tháng 4.

van hoc Phap anh 2

Bìa cuốn sách "A Girl's Story" (Chuyện một cô gái) được xuất bản bởi Sevent Stories Press. Ảnh: New York Times.

"Câu chuyện về một cô gái" giống như mảnh ghép còn thiếu cho bức tranh cuộc đời của nữ nhà văn mà ở đó, Ernaux quay về những ký ức của mùa hè năm 1958 cùng trải nghiệm tình dục đầu tiên trong đời - một sự kiện đau đớn không hề được nhắc đến trong các cuốn sách trước đó, đã khiến Ernaux bị trầm cảm và mắc chứng rối loạn ăn uống.

Phải mất gần 6 thập kỷ để có thể nói ra câu chuyện đó, Ernaux nói, "bởi vì nó quá phức tạp. Nếu đó là một vụ hiếp dâm, có lẽ tôi đã có thể bộc tỏ sớm hơn, nhưng bản thân tôi lại không bao giờ nghĩ về nó theo cách ấy".

Cuốn sách mới của Ernaux, thay vào đó, lại xoáy vào những mảng tối trong "đồng thuận tình dục", một khái niệm mà ở vào thời điểm xảy ra biến cố, còn chưa từng được nhắc tới hay bàn đến.

"Người đàn ông đó lớn tuổi hơn, tôi ngại điều đó, và tôi đã nhượng bộ, có thể nói là, vì thiếu hiểu biết", Ernaux nói. "Tôi thậm chí còn không nhớ mình đã nói 'Không'".

Sau mùa hè năm đó, Ernaux mất hơn 15 năm để tìm được tiếng nói của chính mình. Những ảnh hưởng bên ngoài lên phong cách của Ernaux - từ Simone de Beauvoir (nhà văn, nhà triết học và nhà đấu tranh cho nữ quyền người Pháp) cho đến các biến động xã hội tháng 5/1968 được ghi dấu trong những khung cảnh sống động của "The Years" (Những năm tháng), tác phẩm đan xen 70 năm cuộc đời tác giả và lịch sử xã hội.

Ernaux nói rằng tiểu thuyết đầu tiên của bà viết từ thời đại học đã bị các nhà xuất bản từ chối vì "quá tham vọng". Bà quay trở lại sáng tác vào đầu thập niên 1970, khi ấy là giáo viên dạy tiếng Pháp, một phụ nữ đã có chồng và 2 con, cũng là thời điểm Ernaux mới quen nhà xã hội học Pierre Bourdieu và biết đến lý thuyết tái sản xuất xã hội của ông.

Lý thuyết của Bourdieu, mà trọng tâm nói về việc hệ thống giáo dục đã loại trừ những trẻ em ở tầng lớp lao động như thế nào, đã đưa Ernaux đến một sự thức tỉnh.

Là sinh viên được nhận nhờ học bổng - với điểm xuất phát hoàn toàn không giống những bạn học thuộc giới tư sản, Ernaux bỗng thấu hiểu những điều Bourdieu nói.

Bà viết trong cuốn "Cleaned Out" (Những chiếc tủ rỗng): "Tôi bị chồng chế nhạo sau khi hoàn thành bản thảo đầu tiên. Trước đó, tôi lấy lý do bận làm luận văn tiến sĩ để có thời gian một mình", bà nói.

Khi cuốn sách "lọt vào mắt xanh" của Gallimard - một nhà xuất bản danh giá, Ernaux kể rằng Philippe chồng bà đã vô cùng tức giận. "Ông ta nói với tôi: Giấu giếm viết sách như thế thì chắc cô cũng ngoại tình được đấy nhỉ".

"Đam mê giản đơn"

Cuốn sách thứ ba, “A Frozen Woman” (Người đàn bà băng giá), của Ernaux khám phá những cảm xúc mơ hồ của tác giả trong vai trò một người vợ, một người mẹ, đã thấp thoáng bóng dáng của một cuộc ly hôn.

Ernaux nói việc lựa chọn không kết hôn lần nữa đã mang đến cho bà sự tự do. “Tôi sống chung với một số người đàn ông trong vài quãng thời gian, nhưng rất chóng chán. Nghĩ đến chuyện phải ở cùng một ai đó trong những ngày phòng tỏa này - đúng là ác mộng”, bà nói, đoạn bật cười.

Đầu thập niên 1990, Ernaux gây chú ý ở Pháp với cuốn “A Simple Passion” (Đam mê giản đơn) kể về cuộc tình của bà với một nhà ngoại giao nước ngoài đã kết hôn, lột tả khao khát bản năng của con người trong những chi tiết đầy nhục cảm, bỏ qua xét đoán đạo đức.

Vào thời điểm đó truyện của Ernaux đã loại bỏ hoàn toàn mọi yếu tố hư cấu. Cuốn sách bán được 200.000 bản trong 2 tháng, đã chịu sự chỉ trích dữ dội từ những người theo tư tưởng truyền thống.

Mặc dù vậy, nhiều người nhìn thấy hình ảnh của chính họ trong cuốn sách, Ernaux nhận được rất nhiều thư do độc giả gửi đến. "Nhiều người, cả đàn ông và phụ nữ, tâm sự với tôi, nói rằng cuốn sách như thể viết cho họ", Ernaux nói thêm.

Nhà xã hội học và tiểu thuyết gia Christine Détrez, giáo sư tại trường Đại học Sư phạm Lyon (ENSL), đánh giá văn chương của Ernaux đã giúp “bình thường hóa” những trải nghiệm khó nói của phụ nữ.

"Bạn thấy sợ hãi khi đối diện với bản thân bởi vì sau đó bạn sẽ phải tự đưa ra những hướng đi riêng của mình, và đương nhiên phải là như vậy", Détrez nói thêm rằng ảnh hưởng của Ernaux lên đời sống của người phụ nữ ở Pháp có thể so sánh với ảnh hưởng của de Beauvoir ở những thế hệ trước. “Một điều tốt bởi vì nó giúp bạn hiểu rằng những gì bạn trải nghiệm là hệ quả của một điều kiện xã hội chung”, giáo sư Détrez nói thêm.

Ernaux không mấy mặn mà với giới văn chương ở Paris, thay vào đó bà ngày càng tích cực lên tiếng về các vấn đề chính trị - xã hội thông qua các cuộc phỏng vấn hay bài viết.

Nữ nhà văn dành rất nhiều tâm huyết với phong trào #MeToo - từng bị thờ ơ bởi cộng đồng nghệ thuật trong nước, cũng như phong trào biểu tình "Áo vàng" rung chuyển cả nước Pháp hồi năm ngoái.

van hoc Phap anh 3

Annie Ernaux có vị trí đặc biệt trong văn học đương đại Pháp, với gần 50 năm hoạt động văn chương kể từ đầu thập niên 1970. Ảnh: New York Times.

Sự quan tâm của Ernaux đối với các cấu trúc của hệ thống xã hội đã truyền động lực cho các nhà văn ở Pháp như Édouard Louis, 27 tuổi, người từng gây tiếng vang với tiểu thuyết "Sự kết thúc của Eddy" - lấy cảm hứng từ quá trình tác giả được nuôi dạy trong tầng lớp lao động.

"Tôi như vỡ òa", Louis nhớ lại cảm xúc khi lần đầu đọc tác phẩm của Ernaux mà anh mô tả là "đã nói hộ tiếng lòng mình".

Tuy vậy, trong cuộc nói chuyện điện thoại với Ernaux, mỗi khi đề cập đến chính trị hay những chấn thương tâm lý cá nhân, giọng nói của bà không tỏ chút giận dữ. Bà thẳng thắn nhưng cũng điềm đạm một cách đáng ngạc nhiên, ngay cả trong cuốn "A Girl's Story", những bộc tỏ về nỗi đau tinh thần của Ernaux vào năm 1958 cuối cùng đưa đến một cảm giác nhẹ lòng.

Giờ đây, nỗi sợ duy nhất của Ernaux có lẽ là đánh mất khả năng lưu giữ quá khứ, sau khi chứng kiến mẹ bà dần dần mất trí vì căn bệnh Alzheimer.

"Nói thật, tôi thà chết luôn bây giờ, còn hơn là lãng quên tất cả những gì mình từng nghe, từng thấy", bà nói. "Trí nhớ, đối với tôi, là vô giá".

Tình yêu thời dịch vì virus corona

Nhiều cặp đôi khác quốc tịch ở Trung Quốc đang đối mặt với thử thách cam go, vì họ không thể gặp nhau trong bối cảnh nhiều khu vực bị phong tỏa, và cũng không thể ra nước ngoài.

Trận dịch trên những dòng thư - postcard từ một châu Âu đang cách ly

Washington Post đã thu thập nhiều câu chuyện từ khắp châu Âu, những ghi chép ngẫu nhiên, nối kết những con người trong một thời gian mà hẳn nhiều năm sau thế giới vẫn nhắc lại.

Ngụy An

Bạn có thể quan tâm