Bunin là nhà văn Nga đầu tiên đoạt Nobel Văn học (1933), tác giả của nhiều tập thơ và văn xuổi nổi tiếng thế giới. Bunin đã trải qua nhiều mối tình đầy bi kịch, nhiều người phụ nữ trở thành "nàng thơ" của ông và truyền cảm hứng cho công việc sáng tác của ông.
Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của nhà văn (22/10/1870-22/10/2020), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một vài nét về đời tư của ông.
Ivan Bunin nhận Nobel văn học. Ảnh: Chr.aif.ru. |
Thiên thần hộ mệnh của Ivan Bunin
Gia đình nhà văn Ivan Bunin sống tại thành phố Grasse, miền Nam nước Pháp. Ngày tháng trôi qua, Bunin sáng tác, vợ ông đánh máy, bà luôn luôn tất bật với công việc gia đình. Và khi "mực đã đọng dưới đáy lọ và tiền cũng vậy", có tin đồn hình như Bunin và Merezhkovsky (nhà văn Nga, 1866-1909) được giới thiệu ra tranh giải Nobel Văn học.
Thế rồi cú điện thoại hằng mong đợi từ Stockholm cũng đến. Bunin đoạt giải Nobel Văn học! Các nhà báo chờ đợi phỏng vấn, những người thợ may sẵn sàng cho vay tiền. Bunin may áo phơ-rắc mới, các bà sắm sửa quần áo, và mọi người cùng đi nhận giải thưởng.
Trên bức ảnh chụp ngày ấy, ta thấy vua Thụy Điển, Bunin, bà Vera Muromtseva, vợ nhà văn, cao lớn đang bắt tay công chúa Thụy Điển, còn sau lưng bà là nữ văn sĩ Galina Kuznetsova nhỏ bé đang mỉm cười.
Nhà văn Ivan Bunin. Ảnh: Gazeta. |
Hồi trẻ, bà Vera Muromtseva là một phụ nữ rất xinh đẹp, đẹp theo kiểu con nhà dòng dõi: Cao, cân đối, gương mặt bà trông nghiêng như một pho tượng cổ, mái tóc dày, mượt mà, cặp mắt to, trong sáng, lấp lánh màu xanh.
Thêm vào đó, bà là một người thông minh, được giáo dục một cách tuyệt vời, biết bốn ngoại ngữ, là một dịch giả. Bunin rất tự hào về vợ mình và cũng hay ghen.
Trước lúc gặp Vera, năm 19 tuổi, Ivan Bunin yêu Varvara Paschenko, bà làm thợ sửa mo-rat cho tờ Người đưa tin Orlov, còn ông làm trợ lý biên tập.
Lúc bấy giờ, Bunin là một nhà thơ trẻ, không nhà cửa, không tiền bạc. Họ yêu nhau một thời gian, đã chung sống với nhau, nhưng cuối cùng bà đã bỏ ông để đến với một địa chủ giàu có và kết hôn với ông ta.
Sau khi chia tay Varvara, Bunin chuyển đến Odessa, và ở đấy ông gặp Anna Tsakni, một người đẹp gốc Hy Lạp. Anna là một phụ nữ giàu có, nhưng tính khí thất thường và lạnh lùng. Họ đã cưới nhau, nhưng sớm chia tay do bất đồng quan điểm sống.
Bunin gặp Vera Muromtseva năm 1906. Không giống như những người phụ nữ khác, bà là thiên thần hộ mệnh thực sự của ông. Vera đã chung sống cùng Bunin 46 năm, bà đã dành trọn cuộc đời cho ông, mặc dù phải chịu đựng và tha thứ rất nhiều, nhưng ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, bà vẫn là một người vợ yêu thương và chung thủy, người bạn, người cố vấn và người an ủi.
Đối với Bunin, bà trở thành nơi trú ẩn an toàn sau những cuộc tình đầy sóng gió và những cuộc chia tay đau đớn. Ông coi tình cảm của bà là lẽ đương nhiên, và khi được hỏi có yêu vợ không, nhà văn trả lời: "Yêu Vera ư? Nó cũng giống như yêu tay hoặc chân của mình".
Ông đã cùng bà đi khắp thế giới, cùng bà ông rời nước Nga sang Pháp và giành những đỉnh cao trong sáng tạo. Nhưng khi Bunin được trao giải Nobel Văn học, đứng cạnh ông không chỉ có Vera, mà còn có một người phụ nữ khác tên là Galina - mối tình cuối cùng trong đời ông.
Galina - mối tình "thầy - trò"
Galina Kuznetsova là nữ thi sĩ kiêm văn sĩ trẻ tài năng, bà sinh trưởng trong một gia đình quý tộc lâu đời và được tiếp thu một nền giáo dục cổ điển ở trường nữ thục Kyiv. Bà lấy chồng khá sớm, chồng bà là một luật sư, sĩ quan bạch vệ. Sau đó bà cùng chồng đến Constantinople, rồi Praha, và cuối cùng là nước Pháp.
Quan hệ vợ chồng không xuôi chèo mát mái, Galina coi chồng là người "yếu đuối". Họ sống rất nghèo. Để thoát khỏi những ý nghĩ buồn chán, Galina bắt đầu làm thơ và viết văn.
Tác phẩm của bà được đăng tải trên các tạp chí văn học, được giới phê bình đánh giá khả quan. Dần dần Galina giao du với giới văn học và có nhiều cuộc gặp gỡ mới, bổ ích. Một trong những cuộc gặp gỡ như vậy đã trở thành định mệnh.
Ivan Bunin và Galina. Ảnh: Beautifulrus. |
Nhà nghiên cứu văn học, nhà thơ Modest Gofman giới thiệu nữ thi sĩ trẻ với Ivan Bunin. Cuộc gặp diễn ra ở Grasse, trên bãi biển, nơi Bunin tham gia cuộc thi bơi truyền thống. Người phụ nữ trẻ xinh đẹp khiến nhà văn mê mẩn, còn nàng hoàn toàn không đủ sức chống lại sức hút của ông.
"Anh là thần tượng của em", nàng thừa nhận vào buổi chiều hôm đó.
Trở về Paris, Galina ngay lập tức tuyên bố bỏ chồng. Sau một vụ cãi cọ, chồng bà đã khóc và thề sẽ giết chết kẻ tình địch, còn Galina trở thành người tự do. Từ thời điểm đó, bắt đầu mối tình dài và say đắm của bà với nhà văn vĩ đại.
Khi Bunin gặp Galina Kuznetsova, ông đã 56 tuổi, còn bà 26. Nhưng sự chênh lệch tuổi tác lẫn việc cả hai không còn tự do đều không làm ông ngần ngại. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng Bunin vẫn nhanh nhẹn và trẻ trung. Đến tận lúc già, Bunin vẫn giữ được vóc dáng cân đối, ngay cả khi phải chống gậy.
Bunin là một người đàn ông hấp dẫn, và khi nhìn thấy một phụ nữ đẹp, ông trẻ ra, thay đổi trong chớp mắt. Dường như, ngay cả màu mắt ông cũng chuyển từ xám sang xanh da trời, rồi xanh lục.
Ở ông, có một cái gì đấy giống như "nhiều bộ mặt". Trong đời, ông như ở "trên sân khấu". Bà Vera Muromtseva nói rằng chồng bà có tất cả tư chất của một diễn viên hạng nhất, và ông sử dụng chúng một cách hoàn hảo.
Nhìn thấy một gương mặt tươi trẻ, cặp mắt sinh động chan chứa tình yêu... của một người phụ nữ trẻ, Bunin như kẻ mất hồn. Galina cũng mê ông không cưỡng nổi. Họ gặp nhau ngày càng nhiều hơn: Trên bãi biển, trong quán cà phê, khách sạn…
Bunin bị phân thân giữa Paris và Grasse, vợ và người yêu mới. Tất nhiên, bà Vera nhận thấy tình cảm của chồng. Thậm chí giữa họ đã xảy ra một cuộc tranh cãi quyết liệt, sau đó Bunin bỏ đi Paris.
Nhưng nhà văn không có ý định bỏ vợ, ông không muốn đánh mất nếp sinh hoạt quen thuộc, hơn nữa, sau nhiều năm chung sống, vợ đã trở thành người ruột thịt của ông.
Đến lượt mình, Vera không thể bỏ nhà văn thiên tài của mình. "Tôi yêu ông ấy. Và không biết làm thế nào được", bà nói khi trả lời câu hỏi của những người quen biết.
Galina cũng đau khổ không kém, sau mỗi cuộc gặp gỡ tiếp theo với người tình của mình, bà không biết lần sau ông có đến nữa hay không.
Cuối cùng, Bunin đặt điều kiện với vợ: Galina sẽ sống với họ như là nữ thư ký, học sinh và con nuôi của ông. Bà Vera không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận và nhắm mắt làm ngơ trước mối quan hệ "thầy - trò" này.
Galina dọn đến ở với gia đình Bunin. Người ta nói rằng Bunin thuyết phục được vợ tin rằng Galina chỉ là một học sinh viết văn. Nhưng có lẽ bà Vera Muromtseva không ngây thơ đến thế.
Bà hiểu chồng mình. Bà biết ông suốt đời có những khúc "trữ tình ngoại đề" - tình yêu nuôi dưỡng nàng thơ của ông. Một số phụ nữ ông quen biết gần gũi, số khác - tán tỉnh nhẹ nhàng hoặc hẹn hò ngoài phố - và nghĩ ra một số phận, một câu chuyện tình.
Đối tượng tình yêu thường xuyên thay đổi, còn ham muốn thì "hoàn toàn xác thịt". "Ôi, anh yêu cuộc sống khoáng đạt, anh yêu cuộc sống, yêu tình yêu. Anh yêu biết bao!", Bunin nói vậy với một phụ nữ, khi ông đã gần 70 tuổi.
Có lần, bà Vera Muromtseva tâm sự với một phụ nữ quen biết về thiên chức làm vợ một nhà văn vĩ đại. Theo bà, bất kỳ sự sáng tạo nào cũng được nuôi dưỡng bằng nỗi đau, và đã là vợ nhà văn thì phải chấp nhận đau khổ.
"Cần phải hiểu, thông cảm và tha thứ tất cả những đam mê đã qua, không chỉ những đam mê đã qua, mà cả những đam mê có thể xảy ra. Cần phải hiểu niềm khao khát những ấn tượng mới, cảm giác mới vốn đặc trưng đối với giới nghệ sĩ, nó là một chất men mà nếu thiếu đi thì họ không thể sáng tạo được, - đấy không phải là mục đích, mà là phương tiện của họ".
Vera Muromtseva bao giờ cũng điềm đạm và tốt bụng. Quả thật, đôi khi thần kinh bà cũng trở nên yếu đuối. Có lẽ, không dễ gì thực hiện quan điểm của bà trong đời sống, bởi bà vốn rất yêu chồng. Trong cuốn hồi ký của mình xuất bản ít lâu trước lúc qua đời, Vera Muromtseva chỉ nhắc tới Galina Kuznetsova có ba lần, mặc dù họ sống với nhau 15 năm dưới một mái nhà.
Ivan Bunin già đi, và ông chống chọi tuyệt vọng với tuổi già. Ông hoảng sợ trước sự bất lực và sự già nua xấu xí. Ông tin rằng tình yêu đích thực chỉ tồn tại ở tuổi mười bảy và bảy mươi, khi người ta yêu bằng trí tưởng tượng tinh tế.
Và ở tuổi bảy mươi, tám mươi, Bunin vẫn cảm nhận được vẻ đẹp thực sự đó, ông trở nên lịch lãm, ông hôn tay, đôi khi hôn má phụ nữ, và trong bóng tối những hàng cây, vẫn có thể thì thầm một cách hết sức dịu dàng: "Em là niềm hạnh phúc cuối cùng của anh".