“Tôi tự hào thông báo rằng ngày mai, ngày thứ 58 của nhiệm kỳ, chúng tôi đã đạt được mục tiêu tiêm chủng 100 triệu liều vaccine Covid-19”, AP dẫn lời ông Biden nói hôm 18/3 (giờ địa phương).
Mục tiêu đạt 100 triệu liều vaccine được đặt ra vào ngày 8/12/2020, thời điểm Mỹ chỉ cấp phép một loại vaccine Covid-19. Thời điểm ông Biden nhậm chức vào ngày 20/1, Mỹ đã tiêm 20 triệu liều, với tốc độ khoảng 1 triệu liều/ngày.
Chính phủ Joe Biden còn tiết lộ kế hoạch cho các nước Canada và Mexico “nợ” 4 triệu liều vaccine AstraZeneca. Trong đó, 2,5 triệu liều sẽ được chuyển đến Mexico trong khi 1,5 triệu liều còn lại sẽ được gửi đến Canada.
“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tiêm cho người dân Mỹ. Đảm bảo những người hàng xóm của chúng ta có thể ngăn chặn được virus này cũng là một sứ mệnh quan trọng để chấm dứt đại dịch”,thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.
Hiện nay, Mỹ đang tiêm trung bình khoảng 2,2 triệu liều/ngày. Con số này dự kiến sẽ còn tăng đáng kể vào cuối tháng vì Tổng thống Biden đang yêu cầu đẩy mạnh việc phân phối vaccine của các hãng Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson, đồng thời mở rộng số địa điểm tiêm và đội ngũ nhân viên. Mục tiêu tiêm chủng cụ thể tiếp theo sẽ được ông Biden công bố vào tuần sau.
Tổng thống Joe Biden phát biểu ngày 18/3 tại Washington. Ảnh: AP. |
Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, Ông Biden đã đặt ra các mục tiêu rõ ràng và có thể đạt được, từ việc tiêm vaccine cho đến mở cửa trường học.
Các trợ lý của ông Biden cho rằng việc đạt mục tiêu trước thời hạn sẽ khiến người dân Mỹ tin vào chính phủ hơn sau những phát ngôn không đúng về dịch bệnh của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, người từng tuyên bố Mỹ “đã thắng thế” trước Covid-19 vào tháng 5/2020, thời điểm cả nước Mỹ chứng kiến 80.000 người dân thiệt mạng.
Được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá an toàn, vaccine của hãng AstraZeneca hiện vẫn chưa được cấp phép tại Mỹ. Tuy nhiên, hàng chục triệu liều đang được dự trữ tại Mỹ để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Vấn đề này gây ra một làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn thế giới, cho rằng những liều vaccine mà Mỹ cất cho riêng họ có thể được sử dụng ở nơi khác cần chúng hơn.
Theo WHO, đến nay, cả khu vực châu Phi có không đến 7 triệu liều vaccine. Con số này tương đương với số mũi tiêm của nước Mỹ chỉ trong vòng vài ngày.
Một số chuyên gia về sức khỏe cộng đồng cho biết những nước giàu như Mỹ cần phải làm nhiều hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Mỹ cam kết đóng góp tài chính cho COVAX, một liên minh vaccine do các tổ chức phi chính phủ Gavi, Vaccine Alliance, WHO và liên minh Các sáng kiến đối phó dịch bệnh đứng sau. Mục tiêu của COVAX là chia sẻ vaccine đến 90 nước đang phát triển. Tuy nhiên, Mỹ không cam kết chia sẻ bất kỳ liều vaccine nào.