Theo AP, không kể đến đơn đặt hàng này, Mỹ sẽ nhận đủ vaccine vào giữa tháng 5 để tiêm chủng cho khoảng 400 triệu người cho đến cuối tháng 7. Nếu vaccine của AstraZeneca và Novavax được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) thông qua, nước này sẽ có thêm vaccine để tiêm chủng cho 200 triệu người nữa.
100 triệu liều vaccine mới đặt từ Johnson & Johnson dự kiến được giao vào nửa cuối năm nay.
Các trợ lý của Nhà Trắng cho biết ưu tiên hàng đầu của ông Biden là đảm bảo cho người Mỹ được tiêm chủng hết, trước khi xem xét phân phối vaccine ở nơi khác.
Ngày 10/3, thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psaki, thông tin rằng Tổng thống Biden muốn dự phòng trong trường hợp có vấn đề bất ngờ nào xảy đến với tiến độ sản xuất hện tại.
Tổng thống Biden tăng cường thu mua vaccine trong khi thế giới thiếu hụt nguồn cung. Ảnh: AP. |
Bà nói thêm: “Chúng tôi vẫn chưa biết loại vaccine nào hiệu quả nhất đối với trẻ em. Chúng tôi vẫn chưa biết tác động của các biến chủng, hay liệu rằng chúng tôi có cần thêm các mũi tăng cường không. Số vaccine mới đặt này được dùng để dự phòng hoặc tiêm tăng cường khi cần”.
Thông báo của ông Biden được đưa ra khi Nhà Trắng từ chối các yêu cầu giúp đỡ từ đồng minh như Mexico, Canada và Liên minh châu Âu. Trong suốt nhiều tháng nay, Mỹ sản xuất vaccine chỉ để phục vụ trong nước.
Tổng thống Biden đã đề nghị Mỹ đóng góp tài chính cho liên minh COVAX do Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn. Liên minh này sẽ hỗ trợ chia sẻ vaccine cho hơn 90 quốc gia có nền kinh tế trung bình và thấp. Tuy nhiên, họ vẫn chưa cam kết số liều vaccine cụ thể sẽ chia sẻ.
Chiến lược thu mua của ông Biden đã vấp phải sự chỉ trích từ các tổ chức phi chính phủ. Những tổ chức này mong muốn Nhà Trắng phát triển các kế hoạch và ngưỡng rõ ràng nhằm chia sẻ vaccine với thế giới.
Bà Sarah Swinehart, giám đốc truyền thông của The ONE Campaign, cho biết: “Cách duy nhất để đánh bại loại virus này là đánh bại nó ở mọi nơi. Điều đó đòi hỏi một kế hoạch chia sẻ vaccine dư ngay lập tức trên toàn cầu”.
Trả lời báo chí hôm 10/3 về vấn đề vaccine dư, ông Biden khẳng định: “Nếu chúng tôi có vaccine dư, chúng tôi sẽ chia sẻ với thế giới. Chúng tôi cần đảm bảo rằng người dân Mỹ được quan tâm đến đầu tiên, sau đó chúng tôi sẽ giúp đỡ thế giới”.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp "Bộ Tứ" đầu tiên hôm 12/3, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tuyên bố sẽ hỗ trợ kinh phí giúp đẩy mạnh năng lực sản xuất vaccine Covid-19, giải quyết tình trạng thiếu hụt ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Các quan chức cho biết thỏa thuận tài chính sẽ giúp xây dựng năng lực sản xuất và cung cấp thêm hàng tỷ liều vacvine vào năm 2022 để hỗ trợ nhu cầu thế giới.