Thỏa thuận được công bố hôm 12/3 trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của lãnh đạo nhóm Bộ Tứ. Mục tiêu là giải quyết tình trạng thiếu vaccine trầm trọng ở Đông Nam Á, từ đó tăng cường nguồn cung trên toàn thế giới, theo New York Times.
Các quan chức cho biết thỏa thuận tài chính sẽ giúp xây dựng năng lực sản xuất và cung cấp thêm hàng tỷ liều vacvine vào năm 2022 để hỗ trợ nhu cầu thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của nhóm Bộ Tứ hôm 12/3. Ảnh: New York Times. |
Mỹ bị Trung Quốc, Nga và Ấn Độ bỏ xa trong cuộc đua sử dụng vaccine Covid-19 như một công cụ ngoại giao. Đồng thời, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng bị cáo buộc "tích trữ vaccine", trong khi nhiều quốc gia không thể tiếp cận nguồn cung.
Nhấn mạnh rằng người Mỹ phải được ưu tiên, ông Biden cho đến nay chưa đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào về việc cung cấp vaccine do Mỹ sản xuất.
"Nếu chúng tôi dư ra, chúng tôi sẽ chia sẻ với phần còn lại của thế giới", ông nói vào đầu tuần này. "Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng người Mỹ được chăm sóc đầu tiên, nhưng chúng tôi sau đó sẽ cố giúp đỡ phần còn lại của thế giới".
Trung Quốc và Ấn Độ đang dựa vào "ngoại giao vaccine" để tranh thủ tình cảm của các nước láng giềng. Ngoài ra, hơn 50 quốc gia từ Mỹ Latin đến châu Á đã đặt hàng 1,2 tỷ liều vaccine Sputnik V của Nga.
The One Campaign, tổ chức phi lợi nhuận, cho biết Mỹ mua dư 453 triệu liều vaccine, vốn có thể được phân phối cho nhiều nước khác. Tổ chức này kêu gọi chính quyền Biden chia sẻ 5% số vaccine với các nước sau khi 20% người Mỹ được tiêm chủng.
"Đã đến lúc các nhà lãnh đạo Mỹ phải tự hỏi: Khi đại dịch này kết thúc, chúng ta có muốn thế giới nhớ đến sự lãnh đạo của Mỹ trong việc giúp phân phối vaccine cứu người, hay chúng ta sẽ để chuyện đó cho người khác?", Tom Hart, giám đốc điều hành khu vực Bắc Mỹ của The One Campaign, nói.