Vào ngày 6/5, Nepal báo cáo 9.023 trường hợp dương tính với Covid-19 mới. Đây là mức tăng cao nhất từng được ghi nhận tại quốc gia Nam Á này. Trong số hơn 3.500 người Nepal tử vong do đại dịch, có đến 400 người chết trong hai tuần qua, theo South China Morning Post.
Hemanta Chandra Ojha, công tác tại Phòng Dịch tễ học và Kiểm soát Dịch bệnh Nepal, cho biết: “Các cơ sở y tế tại Nepal đang quá tải các trường hợp có triệu chứng nhiễm Covid-19. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong những ngày tới”.
Các thành viên gia đình thương tiếc một nạn nhân tử vong Covid-19 ở Kathmandu. Ảnh: Reuters. |
Nepal vẫn có thể kiểm soát được nguồn cung cấp oxy. Tuy nhiên, máy thở và các thiết bị phục vụ công tác chăm sóc tích cực cho các trường hợp nghiêm trọng đang thiếu hụt. Người thân của các bệnh nhân phải tranh giành thuốc men và giường chăm sóc đặc biệt.
Tại Bệnh viện Bheri ở Nepalgunj, một thành phố giáp với bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, các nhân viên y tế đang làm việc không mệt mỏi khi bệnh nhân kéo đến ngày càng đông.
Badri Chapagain, một bác sĩ tại bệnh viện, cho biết: "Bệnh viện đang lâm vào tình trạng quá tải. Chúng tôi phải điều trị cho bệnh nhân ở mọi ngóc ngách của tòa nhà".
Tanka Nath Pandey đã dành hai ngày trời ròng rã tìm kiếm một chiếc giường chăm sóc đặc biệt cho anh rể của mình tại thủ đô Kathmandu.
“Thực sự tôi không thể miêu tả được sự khó khăn hiện tại. Chúng tôi đã tìm thấy một chiếc giường nhưng chúng tôi phải tìm thêm thuốc Remdesivir. Chúng tôi đã kiệt sức”, anh Pandey nói.
Nepal có đường biên giới dài 1.850 km với Ấn Độ. Rất nhiều người Nepal thường xuyên xuất cảnh sang Ấn Độ để làm việc và thăm gia đình. Sau khi dịch bệnh bùng phát tại Ấn Độ, nhiều người đã tìm cách trở về nhà.
Nepal đã đóng cửa hầu hết tất cả các chuyến bay và áp đặt phong tỏa hoặc phong tỏa một phần để hạn chế lây nhiễm.
Budhi Setiawan, người đứng đầu bộ phận y tế tại UNICEF Nepal, cho biết: “Số ca nhiễm Covid-19 tăng đột ngột đang tấn công hệ thống y tế. Điều này khiến mọi người dễ tổn thương hơn nếu bị nhiễm Covid-19 bởi họ khó nhận được sự chăm sóc và chữa trị thích hợp”.
Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli bị chỉ trích vì yếu kém trong việc xử lý đại dịch. Ông đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo cung cấp vaccine và vật tư y tế để giúp Nepal chống lại Covid-19.
Chiến dịch tiêm chủng của Nepal đã bắt đầu vào tháng 1. Tuy nhiên, chiến dịch này phải đối mặt với khủng hoảng khi chỉ Ấn Độ chỉ giao một nửa số lượng vaccine được đặt hàng. Mới có 2,4 triệu mũi vaccine được tiêm ở quốc gia 30 triệu dân này. Trong đó, chỉ một phần nhỏ người dân nhận được cả hai mũi.