“Virus này không tôn trọng ranh giới lãnh thổ. Các biến chủng của nó đang hoành hành khắp châu Á”, Alexander Matheou, giám đốc văn phòng châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), nói trong tuyên bố ngày 5/5, theo Reuters.
Ngày 5/5, Nepal công bố mức tăng kỷ lục 8.605 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc ở đây lên 359.610, theo Worldometer. Số ca nhiễm được ghi nhận tại Nepal lúc này nhiều gấp 57 lần so với tháng 4. 44% số lượt xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Người chết vì Covid-19 được hỏa táng bên bờ sông Bagmati tại thủ đô Kathmandu. Ảnh: The Kathmandu Post. |
Những thị trấn Nepal gần biên giới chung với Ấn Độ không thể điều trị cho số bệnh nhân đang ngày một gia tăng. Trong khi đó, chỉ 1% dân số nước này mới được tiêm vaccine đầy đủ, theo tuyên bố của IFRC.
“Những gì đang xảy ra ở Ấn Độ bây giờ sẽ là tương lai khủng khiếp của Nepal nếu chúng ta không thể kiểm soát đợt dịch trước mắt”, Netra Prasad Timsina, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nepal, nói.
Virus tràn sang qua biên giới
Các chuyên gia cho rằng đợt dịch lần này bùng lên do các lao động di cư người Nepal trở về quê nhà sau khi Ấn Độ áp lệnh phong tỏa. Đường biên giới chung trải dài 1.100 dặm (hơn 1.700 km) giữa Nepal và Ấn Độ tồn tại nhiều lỗ hổng. Ngoài ra, cũng rất ít người trở về được xét nghiệm Covid-19 hoặc được cho đi cách ly, New York Times đưa tin. Chỉ trong vài tuần, nhiều người trong số này bắt đầu trở bệnh.
“Chỉ vài ngày sau khi trở về từ Ấn Độ, một người họ hàng của tôi đã chết trên xe cứu thương”, Narendra Singh, người đứng đầu địa phương tại quận Bajhang gần biên giới Ấn Độ, kể lại. “Ngày càng có nhiều người về từ Ấn Độ đổ bệnh. Chúng tôi không có cơ sở cách ly trong các ngôi làng”.
Nepal đã đóng cửa biên giới với Ấn Độ, nhưng virus vẫn kịp lây lan. Đầu tháng 3, Nepal ghi nhận chưa đầy 100 ca nhiễm mới Covid-19 mỗi ngày. Đến nay, số ca mắc mới trung bình mỗi ngày trong tuần qua là hơn 6.000, theo thống kê của New York Times.
Thiếu vaccine
Chương trình tiêm chủng của Nepal cũng chậm lại trong lúc virus tràn sang. Trước đó, Nepal được Ấn Độ quyên góp một triệu liều vaccine AstraZeneca và cũng đặt mua thêm hai triệu liều từ Viện Huyết thanh Ấn Độ. Nhưng khi đại dịch nhấn chìm Ấn Độ vào tháng 4, xuất khẩu vaccine bị hạn chế. Chính quyền Nepal cho biết mới nhận được một nửa vaccine theo thỏa thuận.
Vì thế, chỉ 1,7 triệu trong gần 30 triệu người dân Nepal mới được tiêm vaccine AstraZeneca mũi đầu tiên. Trong số ấy, cũng chỉ 380.000 người được tiêm mũi thứ hai.
Một người đàn ông tìm kiếm xe buýt trở về làng vào ngày 28/4/2021, sau khi Nepal tuyên bố sẽ áp lệnh phong tỏa từ ngày hôm sau. Ảnh: Reuters. |
Cuối tháng 3, Trung Quốc tặng 800.000 liều vaccine Sinopharm cho Nepal. Trước tin này, người dân Nepal lũ lượt tới các trung tâm tiêm chủng, khiến một số quan chức lo ngại đám đông sẽ làm virus lây lan. Chương trình tiêm chủng một lần nữa bị trì hoãn sau khi chính quyền áp lệnh phong tỏa mới có thể kéo dài hai tuần tại thủ đô và các thành phố lớn.
Nhiều người Nepal đang tự hỏi liệu họ có cơ hội được tiêm vaccine hay không. Ram Kumar Nepali, một nhân viên vệ sinh tại Kathmandu, trong thời gian này thường vẫn phải làm ca sáng sớm mà không có đồ bảo hộ.
“Tôi thường nghĩ mình sẽ không bao giờ có cơ hội tiêm chủng”, Nepali, 43 tuổi, nói. “Chúng tôi phải đi khắp thủ đô để dọn rác, kể cả lúc giữa đại dịch kinh khủng này. Thật rủi ro”.
Hệ thống y tế quá tải
Bác sĩ tại Nepal lên tiếng cảnh báo quốc gia này đang đối mặt với làn sóng Covid-19 có sức tàn phá khủng khiếp tương tự hàng xóm Ấn Độ, theo Guardian. Các bệnh viện gần biên giới Ấn Độ đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng ở mức đáng báo động và tình trạng thiếu giường bệnh cùng oxy.
Tại quận Banke gần biên giới Ấn Độ, bác sĩ tại bệnh viện Bheri cho biết nơi này đang biến thành “Ấn Độ thu nhỏ” khi virus lây lan ngoài tầm kiểm soát. Trong hai tuần qua, 80 nhân viên tại đây xét nghiệm dương tính với Covid-19.
“Tình hình vượt quá tầm kiểm soát. Chúng tôi đang ở vào tình thế vô vọng và thiếu nhân lực chăm sóc bệnh nhân”, Rajan Pandey, bác sĩ hội chẩn chính tại bệnh viện Bheri, cho biết.
Một người đàn ông mắc Covid-19 ngồi ngoài cổng bệnh viện tại Kathmandu vào ngày 30/4/2021 trong lúc chờ có giường trống. Ảnh: Reuters. |
Ông Pandey nằm trong số những bác sĩ và chuyên gia y tế tin rằng đằng sau đợt dịch gần đây là biến chủng B.1617. Biến chủng này lần đầu xuất hiện tại Ấn Độ và được cho là có mức độ lây nhiễm cao hơn. Đợt dịch mới của Nepal có nhiều thanh niên và thậm chí là trẻ em, tương tự tại Ấn Độ. Tuy nhiên, điều này chưa được chứng minh bằng dữ liệu khoa học.
“Chúng tôi không có máy móc giải trình tự gen để kiểm tra đây là biến chủng nào. Tôi được biết họ đã mang máy về nhưng chưa sử dụng”, bác sĩ Pandey nói.