Cơ quan khí tượng Anh ngày 19/7 cho biết ghi nhận tạm thời mức nhiệt 39,1 độ C tại Charlwood, gần sân bay Gatwick, phía nam thủ đô London, Channel NewsAsia đưa tin.
"Đây là mức nhiệt cao nhất lịch sử từng được ghi nhận ở Anh", Cơ quan khí tượng Anh cho hay.
Cơ quan khí tượng nhận định nhiệt độ có thể tiếp tục tăng cao, nhiều khả năng sẽ vượt mức 40 độ C.
Nhiệt độ quá cao đã khiến chính phủ Anh lần đầu tiên trong lịch sử phát đi cảnh báo đỏ về thời tiết cực đoan cho phần lớn diện tích lãnh thổ Anh và xứ Wales.
Anh ghi nhận mức nhiệt độ cao chưa từng có trong lịch sử. Ảnh: Reuters. |
Một số tuyến đường sắt đã dừng hoạt động. Tại nhiều khu vực, các trường học và trường mầm non đã đóng cửa.
"Nhiều cơ sở hạ tầng của chúng ta không được xây dựng để chống chọi với nhiệt độ như hiện nay", Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps cho biết.
Anh không phải quốc gia châu Âu duy nhất đang đối mặt thời tiết cực đoan do sóng nhiệt gây ra. Sóng nhiệt hiện cũng càn quét các nước Trung và Tây Nam Âu.
Bộ Y tế Tây Ban Nha xác nhận ít nhất 510 người đã tử vong do nhiệt độ cao trong giai đoạn 10-18/7. Trong số này, 273 trường hợp được ghi nhận hôm 15/7.
Tại Bồ Đào Nha, ít nhất 659 ca tử vong do nhiệt độ cao được ghi nhận trong giai đoạn 7-17/7.
Các đám cháy rừng nghiêm trọng cũng đang hoành hành ở hàng loạt quốc gia châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp.
Các chuyên gia nhận định biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn tới đợt sóng nhiệt đang càn quét châu Âu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong những năm tới.