SKW Stickstoffwerke Piesteritz là nhà sản xuất ammonia lớn nhất Đức, cũng là công ty cung cấp phân bón và chất làm mát cho động cơ diesel hàng đầu châu Âu.
Petr Cingr, giám đốc điều hành của SKW, cho biết doanh nghiệp này sẽ khốn đốn nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Đức. "Chúng tôi sẽ phải dừng sản xuất ngay lập tức, từ 100 về con số 0", ông Cingr cho hay, theo Financial Times.
Nguy cơ sản xuất tê liệt
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Moscow và phương Tây vì chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đã giảm mạnh xuất khẩu khí đốt cho Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Một bộ phận không nhỏ giới chức Berlin lo ngại nếu khủng hoảng khí đốt xảy ra vào mùa đông, ngành công nghiệp Đức sẽ tê liệt, hàng triệu người sẽ chết cóng vì không có khí đốt sưởi ấm.
Mọi ánh mắt đang đổ dồn vào Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt đi từ Nga, qua biển Baltic, thẳng tới châu Âu. Gazprom, tập đoàn khí đốt do chính phủ Nga kiểm soát, đã giảm 60% công suất bơm khí đốt qua Nord Stream 1 trong tháng 6. Đến 11/7, đường ống đã dừng hoạt động phục vụ bảo dưỡng định kỳ.
Đường ống Nord Stream 1 đang tạm dừng hoạt động. Ảnh: Reuters. |
Trong điều kiện bình thường, Nord Stream 1 sẽ chỉ đóng trong 10 ngày. Nhưng Berlin lo ngại đường ống này sẽ không hoạt động trở lại theo đúng kế hoạch là 21/7.
Việc Nord Stream 1 dừng hoạt động kéo dài sẽ cản trở kế hoạch tích trữ khí đốt của Đức để chuẩn bị cho mùa đông.
Jord Rothermel, quan chức Hiệp hội công nghiệp hóa chất Đức, cho biết hậu quả của thiếu hụt khí đốt sẽ khiến các công ty phải lựa chọn "hoặc giảm tiêu thụ khí đốt, hoặc cắt giảm sản xuất". Hóa chất là ngành kinh doanh lớn thứ ba của Đức sau sản xuất ôtô và chế tạo máy móc.
Hầu hết chuyên gia kinh tế dự đoán nếu nguồn cung khí đốt bị đình trệ, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ chứng kiến sản lượng sản xuất sụt giảm nghiêm trọng.
Theo Ngân hàng Thụy Sĩ UBS, nếu Đức rơi vào cảnh thiếu hụt khí đốt trong mùa đông tới, suy thoái kinh tế là điều khó tránh khỏi, thiệt hại có thể lên đến 6% GDP vào cuối năm 2023.
Ngân hàng Trung ương Đức cảnh báo kịch bản này sẽ gây tác động lan tỏa tồi tệ gấp nhiều lần tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lựa chọn khác cho công nghiệp Đức?
Trong bối cảnh các công ty công nghiệp khắp nước Đức đối mặt viễn cảnh thiếu hụt khí đốt, tất cả đang khẩn trương tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế. Tuy nhiên với một số doanh nghiệp mà toàn bộ cơ sở hạ tầng dùng khí đốt làm nhiên liệu, hoặc khí đốt là nguyên liệu sản xuất thô, họ không có lựa chọn thay thế.
ThyssenKrupp, nhà sản xuất thép lớn nhất của Đức, là một doanh nghiệp không có lựa chọn khác như vậy. ThyssenKrupp cho biết nếu không có khí đốt để vận hành các quy trình cần thiết phục vụ hoạt động của lò cao, không loại trừ khả năng một số cơ sở sản xuất phải dừng hoạt động.
BASF, nhà sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới, cảnh báo các lò đốt bằng hơi nước của công ty tại thành phố Ludwigshafen sẽ buộc phải dừng hoạt động nếu nguồn cung khí đốt giảm xuống dưới 50% so với yêu cầu thông thường.
"Một số công ty đã lắp đặt những hệ thống sử dụng các nguồn nhiên liệu thay thế như than đá hoặc dầu. Nhưng theo tính toán của chúng tôi, chỉ có thể thay thế khoảng 2-3% tiêu thụ khí đốt trong công nghiệp bằng hai loại nhiên liệu đó, như thế là không đủ để giải quyết vấn đề mà chúng ta sẽ phải đối mặt", ông Rothemel cho biết.
Công ty hóa chất Merck cũng đang chuẩn bị cho cuộc sống thiếu khí đốt. Công ty tiêu thụ nhiên liệu tương đương toàn thành phố Darmstadt, để sản xuất điện, hơi nước, và sodium hydroxide - những thành phần mà nếu thiếu thì nhiều quy trình hóa học sẽ không thể xảy ra.
Merck đã có một số kế hoạch dự phòng, bao gồm sản xuất hơi nước sử dụng nhiên liệu dầu có sẵn, nhưng cách làm này khó có thể kéo dài vĩnh viễn, Matthias Burk, giám đốc nhà máy của Merck tại Darmstadt, cho biết.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Reuters. |
Chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng có thể xảy ra.
Đầu tháng 7, chính phủ Đức kích hoạt giai đoạn 2 kế hoạch khí đốt khẩn cấp quốc gia, đưa nước Đức tiến gần hơn tới chế độ phân bổ nguồn cung khí đốt theo thứ tự ưu tiên.
Đức cũng đã khôi phục hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than đá phiến, xây dựng các cơ sở tích trữ khí tự nhiên hóa lỏng phục vụ nhập khẩu, đồng thời khuyến khích cắt giảm tiêu thụ khí đốt ở quy mô công nghiệp.
Các doanh nghiệp được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản nguồn cung khí đốt bị cắt hoàn toàn. Trong một bức thư gửi tới phe đối lập, Bộ Kinh tế Đức cho biết "tất cả các bên vận hành những cơ sở hạ tầng trọng yếu" như bệnh viện cần mua máy phát điện khẩn cấp.
Khí đốt bị cắt hoàn toàn không phải điều duy nhất khiến các công ty đau đầu. Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng 8 lần trong 18 tháng qua và hiện chạm mức 160 USD/Megawatt/giờ. Chỉ trong một tháng qua, giá đã tăng gấp đôi, nhiều công ty cho biết họ sẽ không thể tiếp tục hoạt động với mức giá này.
Chi phí nhiên liệu quá cao đã khiến nhu cầu với phân bón của SKW giảm 50-70%. Nông dân Đức bắt đầu chuyển sang tìm kiếm các sản phẩm phân bón nhập lậu từ bên ngoài vào thị trường EU. SKW cho biết một số nhà máy của công ty chỉ có thể tiếp tục vận hành thêm vài tuần.
"Tình thế hiện nay là tín hiệu rõ ràng cho thấy môi trường kinh doanh của chúng ta hiện rất bất ổn, nếu có thể lựa chọn, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ chọn đầu tư vào Mỹ hoặc các khu vực khác", ông Cingr, CEO của SKW, cho biết.
Chính phủ Đức đã bắt đầu ra tay hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuần qua, gói cứu trợ 5 tỷ USD đã được công bố, dành cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng, chủ yếu là sản xuất hóa chất, thủy tinh, thép, luyện kim và gốm sứ.
Dù vậy, ông Rothermel, quan chức của Hiệp hội công nghiệp hóa chất Đức, cảnh báo nước này đang trở nên ít hấp dẫn hơn trong mắt giới kinh doanh.
"Nguy hiểm ở chỗ có khả năng một số sản phẩm nhất định sẽ không thể được sản xuất tại Đức bởi không có đủ khí đốt, hoặc chi phí năng lượng quá cao khiến giá thành sản phẩm kém hấp dẫn", ông Rothermel nói.