WB cảnh báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu đang đối mặt viễn cảnh tồi tệ nhất 30 năm nếu các chính phủ không quyết liệt trong việc thay đổi chính sách. Ảnh: Reuter. |
CNBC cho biết trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu mà WB công bố mới đây có dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục chậm lại vào năm 2024. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp nền kinh tế kém khởi sắc. Tổ chức này dự báo tăng trưởng nền kinh tế thế giới sẽ vào khoảng 2,4% trong năm 2024, giảm 0,2 điểm % từ mức 2,6% của năm 2023.
Tới năm 2025, tăng trưởng kinh tế thế giới dự kiến tăng nhẹ 0,3 điểm % lên 2,7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tính chung trong giai đoạn 5 năm vẫn sẽ thấp hơn 0,75 điểm % so với tốc độ trung bình những năm 2010.
Mặc dù năm 2023, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tỏ ra kiên cường khi đối mặt với rủi ro suy thoái nhưng căng thẳng địa chính trị gia tăng mở ra những thách thức mới trong ngắn hạn. WB cho biết các nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm 2024 và 2025 so với thập kỷ trước.
“Sự leo thang tới từ căng thẳng địa chính trị có thể gây tác động nghiêm trọng tới giá năng lượng. Tiếp sau đó sẽ là lạm phát và tăng trưởng kinh tế", Ayhan Kose, Phó kinh tế trưởng tại WB nói.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 được dự báo yếu đi ở các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Á và châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, châu Mỹ Latinh và Caribe sẽ có sự cải thiện nhẹ, nhưng rất thấp. Khu vực Trung Đông và châu Phi sẽ chứng kiến mức tăng trưởng mạnh hơn đáng kể.
Đặc biệt, các nền kinh tế đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trung hạn do thương mại toàn cầu trì trệ và điều kiện tài chính thắt chặt đè nặng lên tăng trưởng kinh tế.
“Mức tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu khiến nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là những nước nghèo nhất phải mắc kẹt trong cái bẫy: mức nợ cao ngất ngưởng và 1/3 dân số khó tiếp cận thực phẩm”, ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Phó chủ tịch cấp cao của WB cho biết.
Các nền kinh tế đang phát triển được dự báo chỉ tăng trưởng 3,9% vào năm 2024, thấp hơn 1 điểm % so với mức trung bình của thập kỷ trước. WB cho biết đến cuối năm nay, người dân ở 25% quốc gia đang phát triển và khoảng 40% quốc gia thu nhập thấp sẽ vẫn nghèo hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới vẫn sẽ có cơ hội lật ngược tình thế nếu các chính phủ nhanh chóng hành động để tăng cường đầu tư và củng cố khuôn khổ chính sách tài khóa.
“Sự bùng nổ đầu tư có khả năng chuyển đổi các nền kinh tế đang phát triển và giúp họ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như đạt được nhiều mục tiêu phát triển khác nhau”, ông Kose nói.
Theo ông Kose, để khơi dậy sự bùng nổ này, các nền kinh tế đang phát triển cần thực hiện các gói chính sách toàn diện nhằm cải thiện khuôn khổ tài chính và tiền tệ, mở rộng thương mại và dòng tài chính xuyên biên giới, cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường chất lượng thể chế.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới vô cùng quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.