Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nửa đầu năm tệ nhất của chứng khoán Mỹ

Thị trường Mỹ vừa trải qua nửa đầu năm tồi tệ. Nguyên nhân là ngân hàng trung ương đã hành động quá muộn trong việc kiểm soát lạm phát và giờ phải hành động gấp rút.

Theo CNN, thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970 vì nhiều yếu tố. Nhưng tất cả đều xuất phát từ lạm phát.

Bước vào năm 2022, chi phí sinh hoạt tại Mỹ bắt đầu tăng với tốc độ chưa từng có kể từ đầu thập niên 80. Tồi tệ hơn, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã không hành động kịp thời. Trong một thời gian dài, họ tin rằng lạm phát chỉ là "nhất thời".

Theo giới quan sát, điều đó gây hại cho thị trường và nền kinh tế, vốn vẫn dễ bị tổn thương bởi đại dịch.

FED anh 1

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970. Ảnh: Reuters.

Sai lầm của FED

Đến nay, chỉ số S&P 500 đã lao dốc gần 20%. Các thị trường từ tiền mã hóa, IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) đến một số lĩnh vực của thị trường hàng hóa đều sụp đổ.

"Tất cả là do lạm phát, kẻ thù hàng đầu của FED", bà Quincy Krosby - chiến lược gia tại LPL Financial - bình luận. Bà cho rằng việc FED hành động quá chậm đã khiến tình hình xấu đi đáng kể.

Tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng đóng góp phần lớn vào đà tăng của lạm phát. Cầu vượt cung cũng đẩy giá lên cao.

Xung đột Nga - Ukraine càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng vì đẩy giá lương thực và năng lượng tăng vọt. Sự lạc quan của người tiêu dùng bị xói mòn nghiêm trọng. Các thị trường tài chính và người tiêu dùng đều lo ngại lạm phát sẽ tăng cao.

Giờ, FED phải gấp rút hành động để kiểm soát lạm phát. Kể từ đầu năm, cơ quan này đã nâng lãi suất 1,5 điểm phần trăm và sẽ tiếp tục tăng hơn nữa.

FED anh 2

FED đã hành động quá muộn và giờ phải gấp rút kiềm chế lạm phát. Ảnh: Reuters.

Vào tháng 12/2021, FED đặt mục tiêu lạm phát 2% và dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của FED - sẽ ở mức 2,6% trong năm nay. Nhưng theo dữ liệu được công bố hôm 30/6, PCE tháng 5 của Mỹ đạt 6,3%.

PCE cốt lõi - loại trừ giá thực phẩm và năng lượng - ở mức 4,7%. Còn theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Mỹ đã tăng 8,6% so với một năm trước đó.

"Chủ tịch FED Jerome Powell cần giành lại quyền kiểm soát lạm phát. Giờ, lạm phát đã nằm ngoài khả năng kiểm soát của ông", cố vấn kinh tế Mohamed El-Erian của Allianz nói với CNBC.

Ác mộng của thị trường

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng lao dốc 14% kể từ đầu năm. Chỉ số Nasdaq - thiên về công nghệ - sụt giảm gần 30%.

Trong khi đó, Bitcoin - loại tiền mã hóa lớn nhất thế giới - lao dốc gần 60%. Giá đồng, một trong những chỉ báo quan trọng của nền kinh tế, giảm hơn 15%.

Từng là cơn sốt vào năm ngoái, SPAC (các công ty mua lại có mục đích đặc biệt) giờ rơi vào thời kỳ khó khăn. Chỉ số Post SPAC Index của CNBC vừa ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ khi ra đời vào tháng 11/2020 với mức giảm gần 25%.

Liệu thị trường có thể phục hồi trong nửa cuối năm hay không? Đó là một câu hỏi được quyết định bởi nhiều yếu tố. Nhưng điều này đã từng xảy ra trước đây

Bà Quincy Krosby - chiến lược gia tại LPL Financial

Thị trường ảm đạm khiến các công ty tư nhân trở nên dè dặt hơn. Theo Ernst & Young, khối lượng IPO đã giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Krosby của LPL, thị trường chỉ có thể trở lại khi lạm phát đã được kiểm soát phần nào và FED bắt đầu dừng, hoặc nhẹ tay hơn trong việc siết chặt chính sách.

Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong tháng 7, tương tự đợt tăng hồi tháng 6.

Đội ngũ chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng FED có thể nâng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm trong cả tháng 6 và tháng 7. Đến tháng 9, cơ quan này có khả năng tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, và thu hẹp mức tăng còn 0,25 điểm phần trăm trong tháng 11 và tháng 12.

Như vậy, lãi suất có thể được nâng lên khoảng 3,25-3,5% vào cuối năm.

Một số lĩnh vực của thị trường hàng hóa như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và sản phẩm nông nghiệp đã hoạt động tốt trong năm nay. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của thị trường. Hầu hết ngành nghề, từ ngân hàng, sản xuất ôtô đến vật liệu xây dựng đều ghi nhận mức giảm lớn.

Nhưng theo CNBC, khi nhìn vào quá khứ, các nhà đầu tư vẫn có lý do để lạc quan. Sau khi giảm 21% trong nửa đầu năm 1970, chỉ số S&P 500 đã nhanh chóng đảo chiều và ghi nhận mức tăng 26,5% vào nửa cuối năm. Như vậy, chỉ số này vẫn tăng trưởng trong cả năm.

"Mọi người giao dịch và đầu tư trong những thị trường thực tế, chứ không phải thị trường mà các vị mong muốn", bà Krosby bình luận.

"Liệu thị trường có thể phục hồi trong nửa cuối năm hay không? Đó là một câu hỏi được quyết định bởi nhiều yếu tố. Nhưng điều này đã từng xảy ra trước đây", bà nói thêm.

Vì sao kinh tế Mỹ khó thoát suy thoái?

Tăng trưởng GDP của Mỹ đã được điều chỉnh từ âm 1,4% xuống còn âm 1,6%. Giới quan sát tin rằng nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ rơi vào một cuộc suy thoái.

Kinh tế ảm đạm, người Trung Quốc không dám chi tiêu hay đầu tư

Làn sóng Covid-19 và các cuộc kiểm soát của Bắc Kinh khiến triển vọng kinh tế, việc làm tại Trung Quốc xấu đi. Do đó, thay vì chi tiêu hay đầu tư, người Trung Quốc tăng tiết kiệm.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm