Chẳng cần phải quá tinh ý, người viết cũng nhận thấy phần da cánh tay của Thu Phương (Phương Nguyễn) chia hai mảng màu trái ngược. Đấy có lẽ là một phần cái giá Phương đã trả cho chức vô địch cự ly ultra trail 160 km đầu tiên tại Việt Nam. Sau những lời nhấn mạnh liên tục về việc bản thân “may mắn” mới vô địch được VMM 2022 và “mục tiêu ban đầu chỉ là hoàn thành cuộc đua”, Phương Nguyễn đã tiết lộ về cường độ tập luyện kinh khủng để hướng tới cự ly ultra trail đầy khốc liệt này.
Dù không ngủ suốt hơn 35 tiếng tại rừng núi Sapa để chinh phục quãng đường 160 km, Phương Nguyễn vẫn về đích với nhịp tim/phút chỉ là 137.
Phương Nguyễn hoàn tất cự ly 160 km tại VMM 2022 với thành tích 35 giờ 37 phút. Ảnh: VMM. |
‘Xuất phát điểm của tôi rất kém’
- PV: Xin chào Phương Nguyễn, chị có thể giới thiệu bản thân cho độc giả của Zing News?
- Thu Phương: Chào độc giả của Zing News, tôi là Nguyễn Thu Phương (Phương Nguyễn), 41 tuổi, bắt đầu chạy bộ từ 2016. Sau khi chạy hơn một năm, tôi chuyển sang chơi ba môn phối hợp (triathlon) khoảng hai năm. Sau khi ban tổ chức VMM công bố cự ly 160 km vào năm 2020, tôi thấy thích, từ đó tập luyện, tham dự và về đích nhất cự ly nữ ở nội dung này tại VMM 2022.
- Tôi thấy chị đi bộ mà không gặp vấn đề gì trong khi nhiều runner than phiền bàn chân nhăn nheo, chỉ có thể đi ngang như cua sau khi hoàn thành cự ly này. Cơ thể của chị có ảnh hưởng gì không?
- Tôi nghĩ hình ảnh chân bàn chân nhăn nheo hay đi ngang như cua là các anh em runner trong giới trêu nhau thôi. Sau khi tham gia chạy, chúng tôi bị ảnh hưởng thật nhưng về cơ bản thì không đến mức ấy. Trong cuộc đua, tôi chọn tốc độ chạy quen thuộc như lúc tập luyện nên không bị ảnh hưởng nhiều lắm.
- Chị được gọi là "Queen of Trail", vậy thì nữ hoàng chạy trail của Việt Nam đã gặp khó khăn gì tại Sapa trong chặng đua vừa rồi?
- Mọi người chắc lại trêu tôi chứ xuất phát điểm của tôi rất kém, rất yếu. Xưa tới nay, tôi cũng chỉ chạy tốc độ làng nhàng, chứ không nhận là “Nữ hoàng” gì. Đây cũng là giải đầu tiên tôi chạy dài như vậy nên kinh nghiệm cũng không có nhiều.
Trước cuộc đua, tôi đọc nhiều tài liệu, anh em runner cũng nhấn mạnh có nhiều điều phải chuẩn bị. Nhiều người nói dinh dưỡng quyết định tới "race", có người nói chiếm 30-70%. Tuy nhiên từ trải nghiệm cá nhân, tôi tin rằng bản thân vẫn phải để cơ thể tự trả lời câu hỏi về việc mình thích hợp với đồ ăn gì và phải thử nó qua luyện tập.
Cá nhân tôi ăn nhiều, đều đồ như cơm, cháo, xôi... Vào đua, tôi cũng áp dụng như vậy. Trong quá trình tập luyện, tôi thường xuyên ăn bánh chưng vì nó dễ bảo quản, chuẩn bị. Để dễ nuốt hơn trong "race" thì tôi chuyển qua cháo. Trong quá trình đua, anh chị em bạn bè trên Sapa hỗ trợ tôi rất nhiệt tình. Ban đầu, tôi nghĩ việc khó khăn nhất là sắp xếp và mang đồ ăn theo. Nhưng anh em bạn bè nhiệt tình giúp đỡ quá nên tôi không gặp vấn đề gì.
- Trước khi đua, Sapa mưa nặng hạt. Đường sình lầy, bùn đất có tạo ra vấn đề gì với chị?
- Trước khi thi đấu cự ly dài, tôi vốn rất yếu đuối, sợ nắng, sợ mưa. Kỹ thuật chạy trail nói chung của tôi cũng rất kém. Cũng may là từ lúc đăng ký giải đến lúc thi là 2 năm nên tôi có thời gian tập luyện. Về cơ bản, tôi vẫn kém, vẫn yếu, hơi sợ nắng sợ mưa. Nhưng qua luyện tập dần dần, tôi không còn sợ nữa. Tinh thần bắt đầu thay đổi. Tốc độ không thay đổi nhưng khả năng chịu đựng thì có.
Về chuyện thời tiết, tôi lên Sapa trước 7 ngày để quan sát. Có những thời điểm, mưa trắng trời. Nếu mưa 2 ngày liên tục như vậy thì khá nguy hiểm. Tốc độ đua sẽ chậm và trong trường hợp bị hạ thân nhiệt thì có thể nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên nếu mưa không quá to, mình vẫn di chuyển được thì không có vấn đề gì. May mắn là sát ngày đua, trời không còn mưa nữa.
- Chị đã chuẩn bị như thế nào cho VMM 2022? Có thời điểm nào, mọi thứ đi chệch khỏi dự tính của chị?
- Nói chung, tôi tự thấy bản thân nghiệp dư (cười). Nhiều anh em hỏi tôi muốn chạy sub mấy, tính toán thời gian đến check-point như thế nào? Tôi chỉ nhận mình chưa bao giờ chạy quá 70 km. Lúc tập luyện, thời gian chạy nhiều nhất của tôi chỉ là 24 giờ. Sau đấy, tôi không nhận thức được cơ thể, chân sẽ thay đổi như thế nào nên không tính toán được.
Thứ tôi cảm nhận rõ nhất là nhịp tim. Nếu nhịp tim vẫn ổn thì có thể chạy nhanh hơn một chút. Tôi đã tập luyện ở những nhịp tim cụ thể, nắm được nó để có thể duy trì chạy từ 1-2 ngày. Trong suốt cuộc đua, tôi không thấy nhịp tim bản thân thay đổi quá nhiều.
Có một khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đua là khi tôi rời km số 93 để nhập vào đường chạy của các bạn tham dự cự ly 70 km. Khi đó, tôi được báo người thứ hai chỉ cách mình 2 phút. Trước đó ở km số 50, tôi biết mình đã bỏ cách Vi khoảng 8 km nên cũng có chủ quan. Sau khi biết bị bám đuổi, tôi tăng tốc, chạy sung hơn nhưng không thấy mệt. Sau khoảng 20 km, có anh em bạn bè báo tin tôi lại bỏ cách Vi khoảng 3 km.
- Nhịp tim trung bình của chị trong suốt chặng đua là bao nhiêu?
- 137 nhịp/phút thôi. So với các bài tập chạy dài trong 2 ngày liên tiếp (back to back - PV), nhịp tim tôi là khoảng 140-150. Cuộc đua 160 km này về cơ bản là nhẹ nhàng hơn.
Tập luyện đều đặn với thời gian dài là bí quyết chinh phục của Phương Nguyễn. Ảnh: NVCC. |
Không ngủ suốt 35 tiếng
- Chị hoàn tất cự ly trong 35 tiếng. Vậy chị ngủ và ăn vào lúc nào?
- Tôi không ngủ. Nếu có gì khó khăn nhất thì đấy chính là đêm đầu. Có lúc, tôi thấy lơ mơ buồn ngủ. Trong kế hoạch ban đầu, tôi xác định buồn ngủ là sẽ ngủ vì không ngủ thì tôi không thể làm gì. Với tôi, chợp mắt chỉ 30 phút thôi là đủ thoải mái để đua tiếp. Tuy nhiên khi ấy, bạn Vi đã đuổi sát chỉ cách khoảng 2 phút cùng với việc Pacer (Người dẫn tốc - PV) động viên ngủ bây giờ sẽ làm thay đổi thứ hạng trong cuộc đua nên tôi bỏ luôn việc chợp mắt. Sau cùng, mọi thứ vẫn ổn.
- Nghe chị mô tả thì đua 160 km đường rừng có vẻ hơi nhàn?
- (Cười) Tôi nghĩ do bản thân rất may mắn thôi. Nói về áp lực, vì biết cuộc đua rất khó nên tôi mới tập luyện hơi căng thẳng một chút. Nhưng tôi cũng chỉ mong về đích thôi chứ không mong này nọ, không nghĩ tới chuyện sẽ vượt qua ai. Thế nào đó chẳng may, tôi lại vô địch.
- Cường độ tập luyện “hơi căng thẳng một chút” của chị là như thế nào?
- Khoảng 3 tháng trước khi đua, tôi tập một tuần đủ 160 km, bằng đúng quãng đường thi đấu. Tôi ngủ sớm, dậy từ 4h sáng để chuẩn bị trước khi bắt xe buýt lên núi Hàm Lợn tập.
- Do chị tập quá chăm chỉ nên mới có thể vượt qua cuộc đua dễ dàng?
- Tôi không dám nhận mình xuất sắc hay chăm chỉ gì đâu. Nếu có điều gì tự nhận, tôi xin nhận mình là người muốn chinh phục cự ly 160 km này nhất thôi (cười).
- Dinh dưỡng của chị có thay đổi gì không? Chị có nói là ăn bánh chưng chạy trail. Không nhiều người có chế độ dinh dưỡng kiểu này.
- Tôi luôn ăn ít dù tập môn nào từ bơi, đạp đến chạy. Đến giai đoạn trước ngày đua khoảng 3 tháng, tôi sụt cân nghiêm trọng, xuống chỉ còn 46 kg so với mức 48-49 kg bình thường.
Khi ấy, tôi lo mình không có lực để bào khi vào đua. Nên tôi ăn liên tục, ngày ăn 3 bữa, mỗi bữa 3 bát cơm to. Trong 3 tháng này, tôi tập từ nửa ngày đến một ngày. Sáng sớm, tôi mang bánh chưng lên núi ăn và tập. Hoa quả thì dĩ nhiên cũng nạp đầy đủ. Chỉ vậy thôi.
Tôi không nghĩ mình đặc biệt. Nếu có thì là chuyện này: Mọi người thường tập luyện với tốc độ cao nhưng thời gian tập không dài như tôi. Khi chạy với pace cao, cơ thể đốt năng lượng nhanh. Tôi chạy chậm nên có thể cơ thể cũng hồi phục luôn. Giải marathon đầu tiên tôi tham dự là Long Biên Marathon 2017, tôi chỉ hoàn thành 42 km dưới 5 tiếng. Tôi thậm chí chưa bao giờ chạy được 21 km dưới 2 tiếng cả.
- Vào thời điểm bắt đầu chạy vào năm 2016, có bao giờ chị nghĩ bản thân sẽ hoàn tất cự ly 160 km không?
- Nói thật là không. Khi ấy, công ty tôi thành lập hội leo núi, nhìn ảnh về chụp thấy rất đẹp nên tôi ngỏ ý muốn đi cùng. Đồng nghiệp bảo muốn đi phải chạy được 5 km đã. Tôi xỏ giày chạy được luôn. Sau đó, tôi bắt đầu chạy 21 km, cũng rất lo lắng... Nhìn chung, tôi không bao giờ nghĩ bản thân sẽ chinh phục được cự ly ultra trail này.
- Khác biệt giữa chạy đường rừng (trail) và chạy đường bằng (road) là gì?
- Tôi nghĩ mỗi kiểu chạy có sức hút riêng. Chạy road thì đúng màu sắc chạy hơn, thuần túy tốc độ và sức mạnh. Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh là một ví dụ rõ nhất cho thiên hướng ấy. Anh ấy chạy bất chấp ngoại cảnh, cố gắng để đạt pace tốt nhất.
Còn chạy trail với thiên nhiên, núi rừng thì có chút tận hưởng nữa. Hoặc cũng có thể do tôi chạy chậm, từ từ nên tôi thấy tự thấy ổn. Chạy trail tạo điều kiện sử dụng toàn bộ các cơ nên khá thoải mái. 1.000 bước chạy road là 1.000 lần nện gót xuống đường nên có áp lực nặng hơn so với chạy trail. Với tôi, chạy trên núi cả ngày, tôi cũng không thấy sao cả.
- Chị có lời khuyên nào cho những người mới chạy trail không?
- Tôi nghĩ chuyện này cũng giống việc trẻ con chơi piano. Có thể ban đầu, chúng không thích vì mất thời gian. Chơi game thích hơn chứ. Nên mình là bố mẹ, mình phải có chút động viên con. Tuy nhiên sau thời gian, khi chúng bắt đầu tận hưởng được việc chơi rồi, thì đó là lợi ích. Từ đó, chúng bắt đầu tập luyện nhiều và giỏi hơn.
Chạy cũng vậy. Có rất nhiều lý do để không chạy: Mệt mỏi sau khi làm việc, ăn nhậu hoặc đơn giản là có nhiều thú vui hơn. Nhưng nếu vượt qua được, giữ được nhịp độ tập luyện đều đặn thì lợi ích thu lại của việc chạy là rất lớn, đặc biệt cho sức khỏe.
Trở ngại của chạy trail chỉ là tìm địa điểm và di chuyển thôi. Hà Nội có núi Hàm Lợn cách thành phố khoảng 40 km, khá thích hợp để tập luyện. Nếu chủ động đi lại thì chỉ mất khoảng 1 tiếng để di chuyển tới đây. Tôi chạy trên núi lâu, giờ xuống đường phố chạy, bụi bặm khá ngại. Trong khi trên núi, không khí trong lành nên dần dà tôi "nghiện" chạy trail.
- Chị sắp xếp công việc gia đình như thế nào để tập luyện và chinh phục được VMM 2022?
- Đợt nghỉ dịch Covid-19, tôi khá rảnh về thời gian nên tập trung hết cỡ cho giải VMM này. Trước kia, tôi không chạy quá nhiều chặng trail. Nhưng từ khi có cự ly 160 km này, tôi nhất quyết phải thi đấu, làm đâu ra đấy để hoàn thành cuộc đua. Gia đình cũng ủng hộ tuyệt đối tôi tập luyện và thi đấu.
- Cảm ơn chị về cuộc trao đổi.