Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị đóng quân trên hòn đảo ở phía bắc biên giới trên vùng biển phía tây Hàn Quốc. Đây là chuyến kiểm tra thứ 3 của ông Kim đến các đơn vị quân đội ở tiền tiêu, Yonhap cho biết.
Nhà lãnh đạo Kim đã kiểm tra khả năng phòng thủ đảo Changrin ở mặt trận phía tây. Hòn đảo này nằm ở phía bắc Đường giới hạn phía bắc (NLL), một đường biên giới trên biển giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, nơi diễn ra các cuộc giao tranh giữa hải quân hai miền Triều Tiên trong quá khứ.
KCNA cho biết ông Kim nhấn mạnh sự cần thiết của các đơn vị và tiểu đơn vị ở các cấp của quân đội nhân dân trong việc sắp xếp và quản lý kỹ thuật một cách có trách nhiệm, để chuẩn bị cho việc điều động thường xuyên vũ khí và thiết bị chiến đấu.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thăm đơn vị quân đội đồn trú trên đảo tiền tiêu gần biên giới với Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap. |
Ông Kim ra lệnh cho các binh sĩ thiết lập hệ thống liên kết chặt chẽ với nhau để sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu bất kỳ lúc nào. KCNA cho biết thêm cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il cũng nhiều lần thăm các đơn vị nhỏ ở tiền tiêu trong những năm ông lãnh đạo đất nước.
Trong một báo cáo riêng, KCNA cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đến thăm một trung đội nữ quân nhân, thuộc đơn vị 5492 đóng quân ở bờ biển hẻo lánh trên mặt trận tây nam, đơn vị mà người cha quá cố của ông cũng đã đến thăm nhiều năm trước.
Chuyến thị sát thực địa mới nhất của ông Kim đánh dấu lần thứ 3 trong tháng này ông đến kiểm tra các đơn vị quân đội. Ông Kim đã tham dự một buổi trình diễn trên không vào ngày 16/11, giám sát đợt huấn luyện đổ bộ đường không 2 ngày sau đó. Ông Kim nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội Triều Tiên.
Các nữ quân nhân khóc khi được gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un, một hình ảnh quen thuộc khi lãnh đạo thăm quân đội ở Triều Tiên. Ảnh: KCNA. |
Các chuyến thị sát của ông Kim diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng kêu gọi Washington từ bỏ chính sách thù địch và đưa ra đề xuất trước thời hạn cuối năm mà Triều Tiên đặt ra đối với Mỹ trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh không đạt kết quả như mong đợi ở Hà Nội, Việt Nam vào tháng 2, khi hai bên không tìm được tiếng nói chung về các bước gỡ bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và các biện pháp trừng phạt của Washington.
Hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp điều phối viên vào tháng trước, lần đầu tiên kể từ khi hội nghị thượng đỉnh thất bại, nhưng vẫn chưa tạo ra được bất kỳ tiến bộ nào.