Triều Tiên có một thông điệp dành cho Tổng thống Donald Trump và Mỹ: Đồng hồ đang điểm và một quả bom sắp nổ.
Còn 7 tuần cho đến khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến có bài phát biểu quan trọng dịp năm mới. Nó sẽ diễn ra một ngày sau thời hạn cuối năm mà ông tự áp đặt để Mỹ đưa ra các đề xuất mới nhằm bắt đầu lại các cuộc đàm phán hạt nhân.
Hôm 13/11, khi Washington hốt hoảng với cuộc điều tra luận tội của Hạ viện, Triều Tiên đã gia tăng đáng kể áp lực, đưa ra đe dọa ngầm để tiếp tục các vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân tầm xa.
Bản tin truyền hình về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào tháng trước. Ảnh: Reuters. |
Theo Washington Post, trong tuyên bố chính thức, Triều Tiên cho biết nước này cảm thấy "bị phản bội" bởi quyết định của Mỹ tiếp tục các cuộc tập trận không quân chung với Hàn Quốc, gọi đó là "sự vi phạm trắng trợn" thỏa thuận giữa ông Kim và Tổng thống Trump tại Singapore năm ngoái.
Do đó, Triều Tiên nói rằng họ không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi các cam kết trước đó. Điều đó có thể báo hiệu kế hoạch nối lại các vụ thử tên lửa tầm xa hoặc hạt nhân.
"Mỹ không chấp nhận với sự cân nhắc thích đáng thời hạn cuối năm mà chúng tôi đặt ra với sự kiên nhẫn và đại lượng", tuyên bố từ Ủy ban Đối ngoại của Triều Tiên cho biết.
"Dù không nhận được bất cứ điều gì, chúng tôi vẫn trao đi những thứ mà tổng thống Mỹ có thể khoe khoang nhưng phía Mỹ vẫn chưa thực hiện bất kỳ bước đi tương ứng nào. Hiện tại, chúng tôi chỉ cảm thấy sự phản bội từ phía Mỹ", tuyên bố nói thêm.
Ông Trump nhiều lần khoe rằng Triều Tiên đã ngừng thực hiện các vụ thử tên lửa tầm xa hoặc hạt nhân dưới sự giám sát của ông, mặc dù họ đã tiến hành khoảng một chục vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn kể từ tháng tư.
Nhưng Bình Nhưỡng nói rằng ông Trump đã không giữ lời hứa chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung với Seoul.
"Không còn đủ thời gian"
Quan hệ giữa hai bên xấu đi rõ rệt sau hội nghị thượng đỉnh thất bại ở Hà Nội hồi tháng hai. Hai tháng sau, ông Kim đe dọa sẽ đưa đất nước đi trên con đường mới, trừ khi Mỹ thay đổi cách tiếp cận các cuộc đàm phán.
Triều Tiên dường như muốn nới lỏng các biện pháp trừng phạt và bảo đảm an ninh để vững tâm rằng chế độ sẽ không chịu chung số phận như Muammar al-Gaddafi của Libya hoặc Saddam Hussein của Iraq nếu rút lại chương trình hạt nhân.
Nếu không nhận được những gì mong muốn từ ông Trump thì nước này sẽ sớm gây thêm áp lực.
Tổng thống Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại khu vực phi quân sự vào ngày 30/6. Ảnh: AP. |
"Hiện tại, khi một bên rút lại các cam kết của mình và đơn phương thực hiện các bước thù địch, không có lý do hay nguyên cớ để bên kia giữ ràng buộc với các cam kết của mình. Hơn nữa, không còn đủ thời gian nữa", tuyên bố của Triều Tiên nhấn mạnh.
Cuộc hội đàm giữa hai bên tại Stockholm đã kết thúc vào tháng 10 với các quan chức phái đoàn Triều Tiên giận dữ lên án các đối tác Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper cho biết ông nghiêm túc xem xét khi bất kỳ nước ngoài hoặc nhà lãnh đạo nước ngoài nào nói gì đó nhưng nói thêm rằng công việc của cơ quan này là "duy trì sự sẵn sàng, ngăn chặn xung đột và nếu vì lý do nào đó, xung đột xảy ra, thì sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng".
"Các cuộc thảo luận về các cuộc đàm phán" đang được tiến hành, ông Esper cho biết hôm 13/11 trên đường đến Hàn Quốc và nói thêm rằng con đường tốt nhất phía trước là thông qua "thỏa thuận chính trị".
Câu hỏi về các bước tiếp theo
Sự bi quan đang gia tăng trong cộng đồng các chuyên gia và nhà phân tích chính sách theo dõi Triều Tiên. Họ dự đoán viễn cảnh leo thang căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Robert Carlin, học giả tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế của Đại học Stanford, cho biết ông tin rằng bầu không khí chính trị bị phân cực ở Washington sẽ hạn chế nỗ lực của các nhà đàm phán Mỹ.
"Bạn có biết việc tập hợp một sáng kiến ngoại giao lớn trong 7 tuần khó khăn thế nào không? Bạn có biết việc tổng thống đang bị tiến hành luận tội khiến mọi thứ khó khăn thế nào không? Tại Washington, chúng ta đang chứng kiến bầu không khí độc hại nhất, vì vậy bất kể tổng thống đề xuất điều gì, nó sẽ bị xé tan", ông nói trong một bài giảng ở Seoul hôm 12/11.
Nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố "các biện pháp cực kỳ tiêu cực" trong bài phát biểu năm mới, thì "Tôi thấy chúng ta không thể phản ứng bằng cách nào khác ngoài hành động rất nghiêm khắc, leo thang", ông nói.
"Lo ngại của tôi là người Triều Tiên sẽ tính toán sai lầm", ông nói thêm.
Andrei Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin ở Seoul, cho biết ông cũng tin rằng Triều Tiên sẽ thực hiện một số bước đi "cứng rắn" vào đầu năm tới - có thể là phóng vệ tinh hoặc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thống nhất của Hàn Quốc Kim Yeon Chul sẽ tới Washington và Los Angeles vào tuần tới khi Seoul cố gắng tiếp tục vai trò là người hòa giải.
Người dân tại một nhà ga ở Seoul xem chương trình truyền hình phát sóng ngày 31/10 cho thấy những hình ảnh về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, ông Lankov cho rằng Triều Tiên có thể kiềm chế hành động "kịch tính" - chủ yếu để tránh làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc, quốc gia có vai trò huyết mạch kinh tế chính của Triều Tiên và ngày càng trở nên quan trọng kể từ khi các lệnh trừng phạt được áp dụng.
Ông Kim Yeon Chul sẽ phải đối mặt trận chiến khó khăn: Triều Tiên đã ngừng đối thoại với Hàn Quốc và Washington nhận thấy vai trò trung gian của Seoul đã giảm bớt so với một năm trước.
Mặc dù vậy, ông vẫn sẽ mang các ý tưởng đến Washington. Bộ trưởng Bộ Thống nhất muốn hai bên tập trung vào các biện pháp xây dựng lòng tin; ví dụ, bằng cách giảm bớt các hạn chế đi lại đối với công dân Mỹ gốc Hàn vẫn còn người thân ở Triều Tiên.
Ông đề nghị xem xét "đình chiến" vào Olympic năm tới, trong đó Triều Tiên đình chỉ các vụ thử tên lửa và Mỹ đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc.
Thông điệp chính của ông là tiến bộ phi hạt nhân hóa của Triều Tiên phải đi đôi với tiến bộ trong quan hệ liên Triều và ba nước Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ, tất cả đều cần nỗ lực cải thiện quan hệ.
"Nếu cả ba mối quan hệ này có thể đạt được một số tiến bộ tích cực và tạo ra một vòng phát triển thì chúng ta có thể tạo ra tiến bộ trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên", ông nói.