Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper sẽ đến Hàn Quốc ngày 14/11, trong chuyến công du kéo dài 8 ngày đến một số nước đồng minh quan trọng ở châu Á. Chuyến công du của Bộ trưởng Esper với sứ mệnh hàn gắn sự rạn nứt trong liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn và yêu sách của Tổng thống Donald Trump muốn Hàn Quốc phải tăng chi phí duy trì quân đội Mỹ.
Kết quả chuyến công du của Bộ trưởng Esper có thể xác định chính quyền Tổng thống Trump giữ các đồng minh quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc tốt như thế nào, khi họ đối mặt với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Liệu các quốc gia khác sẽ phản ứng như thế nào khi đối mặt với áp lực của Tổng thống Trump trong việc trả nhiều tiền hơn để duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đất nước họ, Bloomberg cho biết.
Chuyến công du khó khăn
Chuyến công du của Bộ trưởng Esper được đánh giá là cực kỳ khó khăn, ông phải đối mặt với hạn chót vào ngày 23/11, khi hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ hết hạn. Hiệp ước là một bước quan trọng trong việc giúp liên minh Mỹ - Nhật - Hàn đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Hàn Quốc đã tuyên bố đình chỉ hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản để đáp trả cuộc đối đầu thương mại giữa hai đồng minh thân cận của Mỹ - một động thái mà Mỹ cho rằng sẽ làm tổn hại nước này cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhiệm vụ của Bộ trưởng Quốc phòng Esper (trái) tại Hàn Quốc là rất nặng nề. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng đưa ra thời hạn vào cuối năm để chính quyền Tổng thống Trump có những bước tiến mới đối với vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hoặc các rủi ro an ninh sẽ được nâng lên cấp độ mới.
Trong khi đó, chính phủ Tổng thống Moon Jae In đã cố gắng làm giảm sự căng thẳng và tìm ra sự khác biệt so với cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên của Tổng thống Trump. Lá bài quan trọng trong chính sách của Tổng thống Moon là cải thiện mối quan hệ liên Triều.
Ngoài vấn đề hàn gắn liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn, Bộ trưởng Esper đến Seoul mang theo đề xuất của Tổng thống Trump, yêu cầu Hàn Quốc trả 5 tỷ USD chi phí duy trì sự hiện diện quân đội Mỹ tại bán đảo Triều Tiên, gấp 5 lần so với chi phí hiện tại.
Theo những người quen thuộc với vấn đề, yêu cầu tăng chi phí xuất phát từ Nhà Trắng và các quan chức biện minh rằng nó phản ánh mức chi phí mà Hàn Quốc phải chịu để kiểm soát hoạt động của lực lượng kết hợp Mỹ - Hàn trong tình huống xảy ra xung đột.
Tổng thống Trump muốn Hàn Quốc trả 5 tỷ USD để duy trì sự hiện diện của 28.500 binh sĩ Mỹ tại nước này. Ảnh: AP. |
Trao đổi với các phóng viên trên máy bay đến châu Á, Bộ trưởng Esper không đề cập đến con số cụ thể, nhưng đề nghị đóng góp của Hàn Quốc nên tăng lên. “Chúng tôi yêu cầu một sự gia tăng trong việc chia sẻ chi phí để triển khai quân đội chúng tôi ở đó”, Bộ trưởng Esper nói.
Năm 2016, Nhật Bản và Mỹ đã đạt được thỏa thuận mới về chia sẻ chi phí duy trì sự hiện diện quân đội Mỹ ở Nhật Bản. Theo đó, Tokyo chịu chi phí cho nhân viên người Nhật, các tiện ích, tái định cư và đào tạo.
Nhật Bản sẽ trả cho Mỹ 1,8 tỷ USD trong năm nay, dù Washington không công bố chi phí duy trì căn cứ Mỹ tại Nhật Bản. Một số chuyên gia cho rằng Mỹ có thể giữ quân đội ở Nhật Bản với chi phí thấp hơn so với việc đưa họ về nước.
Trung Quốc và Triều Tiên sẽ hưởng lợi?
“Nếu Tổng thống Moon nói không với vấn đề chia sẻ chi phí và tình báo và thỏa hiệp không đạt được, điều đó không chỉ khiến sức mạnh của liên minh suy giảm mạnh, mà còn có thể khiến an ninh trên bán đảo Triều Tiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, Duyeon Kim, cố vấn cao cấp cho khu vực Đông Bắc Á và chính sách hạt nhân, tại Nhóm Khủng hoảng quốc tế nói.
Các quan chức Mỹ nói rằng tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tạo cho Trung Quốc và Triều Tiên cái cớ để chia rẽ các đồng minh chủ chốt của Mỹ.
Triều Tiên vẫn liên tục thử tên lửa như một biện pháp gây sức ép với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ảnh: KCNA. |
Trao đổi với các phóng viên trên máy bay đến châu Á, Bộ trưởng Esper nói rằng sẽ thúc đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc vượt qua những thử thách và tập trung vào cách hợp tác với nhau để ngăn chặn hành vi xấu của Triều Tiên, về lâu dài là đối phó với Trung Quốc.
Những người đang hưởng lợi duy nhất từ sự tranh chấp trong liên minh là Trung Quốc và Triều Tiên.
Tuy nhiên, khi cuộc bầu cử ở Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 4/2020, Tổng thống Moon có thể tìm cách trì hoãn vấn đề, nếu ông bị coi là làm quá nhiều cho Tổng thống Trump. Đặc biệt là sau khi Hàn Quốc, vào tháng 10 tuyên bố từ bỏ các đặc quyền của quốc gia đang phát triển tại Tổ chức Thương mại Thế giới, sau những cáo buộc của chính quyền Tổng thống Trump, rằng Hàn Quốc đang lợi dụng vị thế của họ.
“Chúng tôi không nghĩ rằng việc chấm dứt chia sẻ tình báo với Nhật Bản sẽ làm suy yếu liên minh với Mỹ. Chính phủ Tổng thống Moon đã đưa ra điều kiện với Nhật Bản, rằng họ sẽ tiếp tục gia hạn hiệp ước, trừ khi chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe gỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu đối với Seoul”, một quan chức Nhà Xanh nói với các phóng viên vào tuần trước.
Sau khi kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc, Bộ trưởng Esper sẽ đến Thái Lan, Philippines và Việt Nam để thảo luận về các vấn đề an ninh ở châu Á và trên thế giới.